Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ

(NTO) Điệp khúc “được mùa, rớt giá: và ngược lại tồn tại lưu cửu trong sản xuất nông nghiệp. Hầu như cây trồng nào cũng đều vướng vào “vòng luẩn quẩn” này và khó vượt thoát ra được ngay cả thực hiện mối liên kết “4 nhà”! Ngay cả cây trồng ít “đụng hàng”nhất là cúc vàng trồng bán cho người dân mua cúng trong các ngày rằm, mồng một được tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận… cũng rơi và tình cảnh khó tiêu thụ và thường xuyên bị ép giá.

Một số bà con trồng hoa cúc vàng ở phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết, trồng hoa đã cực vì phải tính toán đúng ngày, bón phân, tỉa cành đúng thời điểm… mới có cây hoa đạt yêu cầu nhưng khi bán thì giá quá rẻ, bình quân 1.000 đồng/ cây, nhưng lại là cây… đôi. Đó là chưa kể còn bị trừ tới, trừ lui do chất lượng không đều! Vậy khi đến tay người tiêu dùng là bao nhiêu tiền / cây? Thử khảo sát thì từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng/ cây tùy theo cây tốt hay xấu. Như vậy, chỉ qua vài khâu trung gian lưu thông giá bán đã nâng lên từ 4 đến 10 lần. Tất nhiên, khoảng chênh lệch này rơi vào túi người mua đi bán lại…

Nghề trồng hoa cúc ở Mỹ Bình cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Văn Miên

Liệu tình trạng này có thể giải quyết? Thực ra là không phải không có giải pháp, mấu chốt chính là ở người sản xuất. Bởi lẽ lâu nay người trồng hoa chỉ mới dừng lại ở khâu trồng còn thị trường ra sao, tiêu thụ ở đâu…thì không ai biết, thậm chí có người còn không quan tâm! Ngay cả lấy giống hoa về trồng người sản xuất cũng còn lệ thuộc vào thương lái và vô hình trung là họ hưởng cả 2 “đầu”: bán được giống và sản phẩm thu hoạch. Chính vì lẽ đó mà người sản xuất thường xuyên rơi vào thế bị động. Do vậy, vấn đề đặt ra là chỉ có “làm chủ” thị trường mới có thể ổn định cả sản xuất lẫn đầu ra sản phẩm. Muốn vậy không gì khác là phải liên kết những người trồng hoa và tổ hợp tác, qua đó cử người liên hệ thị trường, giống, điều phối sản xuất để không quá thiếu hay quá thừa… Yêu cầu cũng cần đặt ra là để thành lập được tổ hợp tác này rất cần đến sự “trợ giúp”của chính quyền và đoàn thể ở địa phương và cả “nhà đầu tư” là ngân hàng trong khâu hỗ trợ nông dân vay vốn.

Tin rằng, nếu làm được như vậy thì người trồng hoa cúc nói riêng và nông dân nói chung sẽ bớt đi “gánh lo” về tiêu thụ sản phẩm.