Đào tạo nguồn nhân lực - nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

(NTO) “Đào tạo lao động” (ĐTLĐ) là một trong 9 thành phần để khảo sát và cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh (PCI). Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2011, chỉ số ĐTLĐ của tỉnh xếp hạng 54/63 tỉnh, thành có điểm số PCI dưới trung bình là 4,27 và thấp hơn so với bình quân của cả nước là 0,5 điểm.

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề và dạy nghề, phát triển cơ sở trường nghề luôn được tỉnh ta chú trọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 cơ sở dạy nghề, với số lượng đào tạo là 6.875 người. Ngoài ra, để đáp ứng các nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH của địa phương, một số cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động liên kết đào tạo với các trường dạy nghề ngoài tỉnh… Đội ngũ giáo viên hiện nay ở các cơ sở dạy nghề là 293 người, trong đó có 204 giáo viên cơ hữu và 89 giáo viên thỉnh giảng. Bước đầu, mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có kỹ thuật, có tay nghề cho sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh. Cơ cấu ngành nghề đào tạo đa dạng, phong phú đáp ứng phần nào nhu cầu của người học nghề và thị trường lao động. Cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy và học nghề từng bước được đầu tư và xây dựng…

Giờ thực hành của học viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: V.Miên

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, công tác dạy nghề ở tỉnh ta còn có những mặt hạn chế như công tác tuyên truyền và đào tạo nghề chưa được chú trọng đúng mức. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh vào học nghề còn nhiều hạn chế. Mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh còn thiếu và yếu. Nhận thức của người học nghề chưa cao, tư tưởng trọng bằng cấp của xã hội còn ảnh hưởng. Các khu công nghiệp chưa thú hút được nhiều doanh nghiệp, nên công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm còn nhiều khó khăn…

Theo quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển nguồn nhân lực được tỉnh ta chọn là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 50%, trong đó có 33% lao động qua đào tạo nghề. Đến năm 2020 đạt 60% lao động qua đào tạo trong đó có 45% lao động qua đào tạo nghề nhằm đảm bảo nhu cầu về số lượng và nâng cao chất lượng lao động cho 6 ngành kinh tế trụ cột của tỉnh. Theo bà Nguyễn Ngọc Lan, chuyên gia Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam: “Để nâng cao chỉ số ĐTLĐ góp phần nâng cao chỉ số CPI của tỉnh, đồng thời đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực theo quy hoạch phát triển KT-XH đã được phê duyệt, tỉnh Ninh Thuận cần giải quyết tốt các giải pháp: Có chiến lược và chính sách đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho người lao động. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề”.

Theo bà Nguyễn Ngọc Lan, tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nhân dân, đặc biệt là thanh niên và những người trong độ tuổi lao động nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đào tạo nghề; về nghề nghiệp và học nghề để thay đổi hành vi, thu hút ngày càng nhiều người học nghề. Nâng cao nhận thức của doanh nhân về lợi ích của đào tạo nghề đối với sự phát triển của doanh nghiệp để từ đó chủ động tham gia, đóng góp vào hoạt động đào tạo nghề. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường THPT để định hướng học sinh học nghề. Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng nâng cao năng lực thực hành cho người học nghề. Chuẩn hóa chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và chú trọng đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề với nhau, giữa cơ sở đào tạo nghề và cơ sở giáo dục khác, giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo nghề. Tỉnh cần thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người học nghề thuộc đối tượng đặc thù, nhóm yếu thế theo quy định của Nhà nước. Tỉnh cần có các chính sách có tính đặc thù so với chính sách chung của quốc gia như chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và HTX đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh. Huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho sự phát triển đào tạo nghề. Ưu tiên các dự án nước ngoài để đầu tư phát triển đào tạo nghề, đặc biệt là các dự án hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển chương trình học liệu… Vận động các doanh nghiệp xây dựng các trường nghề…