Cần thu hẹp khoảng cách về giới trong tiếp cận cơ hội kinh tế

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa cho biết, ngày 18/6, Ngân hàng Thế giới đã công bố một báo cáo mới với chủ đề “Hướng tới bình đẳng giới tại Đông Á và Thái Bình Dương”.

Báo cáo này được công bố bởi một nhóm các chuyên gia về giới của Ngân hàng Thế giới tại Bangkok (Thái Lan). Tại buổi công bố, các chuyên gia về giới đã trao đổi với các nhà hoạch định chính sách, xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo về bình đẳng giới và chương trình nghị sự phát triển cũng như thảo luận về các lựa chọn chính sách để thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển hiệu quả hơn. Theo báo cáo này, khoảng cách về giới trong lĩnh vực giáo dục và y tế đang được thu hẹp dần, nhưng vẫn còn tồn tại bất bình đẳng giới tính trong tiếp cận cơ hội kinh tế. Báo cáo cũng cho rằng, tăng cường khả năng tiếp cận với công việc và cơ hội kinh tế của phụ nữ sẽ cải thiện đáng kể năng suất của khu vực.

Theo bà Pamela Cox, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, loại bỏ bất bình đẳng giới trong cơ hội tham gia hoạt động kinh tế có thể tăng năng suất lao động lên 7% đến 18%. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Vì vậy, tăng cường năng lực kinh tế của phụ nữ không chỉ là một điều đúng đắn, mà còn là một việc làm thông minh.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tăng cường bình đẳng giới trong tiếp cận các cơ hội và tăng tiếng nói của phụ nữ trong xã hội sẽ thúc đẩy kết quả phát triển tốt hơn, bao gồm năng suất lao động cao hơn, tốc độ tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo nhanh hơn. Mặc dù phụ nữ tham gia lực lượng lao động nói chung là cao ở Đông Á và Thái Bình Dương so với các khu vực đang phát triển khác, nhưng tiến bộ đạt được không đồng đều. Để giải quyết vấn đề trên, bà Annette Dixon, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Nam Á cho biết, Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ các nước trong việc giải quyết các khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong việc tiếp cận cơ hội kinh tế, có thể liên quan để tăng cường kỹ năng thị trường, cải thiện tiếp cận đất đai và vốn hoặc tăng tiếng nói và ảnh hưởng của họ trong xã hội.

Là một báo cáo khu vực, báo cáo này xem xét những vấn đề đặc biệt liên quan đến khu vực, bao gồm khía cạnh giới tính trong một số xu hướng mới nổi - hội nhập kinh tế toàn cầu gia tăng, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, di cư, đô thị hóa, và nhanh chóng lão hóa dân số - tất cả các nhân tố này đều tạo ra cơ hội mới, nhưng cũng có những rủi ro mới, trong thúc đẩy bình đẳng giới.

Báo cáo đã đóng góp dữ liệu và bằng chứng mới về giới tính và sự phát triển, tăng cường mạnh mẽ khả năng của các nước trong việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng trong lĩnh vực này. Dựa trên cơ sở bằng chứng đã được củng cố, báo cáo xác định bốn lĩnh vực ưu tiên cho hành động công cộng ở các nước Đông Á và Thái Bình Dương, đó là: Thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển con người ở những nơi khoảng cách về giới trong kết quả giáo dục và y tế vẫn còn lớn; thu hẹp khoảng cách giới trong các cơ hội kinh tế; tăng cường tiếng nói và ảnh hưởng phụ nữ và bảo vệ họ khỏi bạo lực. Tăng cường tiếng nói của phụ nữ sẽ nâng cao chất lượng trong việc ra quyết định phát triển, do đó, cũng tăng chất lượng phát triển nói chung; bồi dưỡng các cơ hội và quản lý các rủi ro liên quan với xu hướng mới nổi của thị trường khu vực. Cần mang cách tiếp cận nhận thức về giới vào việc hoạch định chính sách trong lĩnh vực này sẽ dẫn đến những kết quả về bình đẳng giới và phát triển tốt hơn.

Báo cáo nhấn mạnh rằng bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực không tư động diễn ra cùng tăng trưởng và phát triển. Chính vì vậy, nếu các quốc gia muốn đạt được cả bình đẳng giới và phát triển nhanh hơn, cần thiết phải có những chính sách công dựa trên nhận thức về bình đẳng giới.

Ông Andrew Mason, tác giả chính của báo cáo cho rằng, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần phải hiểu lý do tại sao sự tiến bộ trong thu hẹp khoảng cách giới vẫn còn lẫn lộn và thực hiện các chính sách khắc phục có những khoảng cách còn tồn tại. Theo ông Mason, xét cho cùng thì bình đẳng giới bản thân nó đã là một mục tiêu phát triển quan trọng và cũng là chính sách phát triển tốt.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam