Giá dịch vụ du lịch trong nước tăng cao, tua nước ngoài hút khách

Mùa hè năm nay, theo các công ty du lịch cho biết, số khách trong nước mua tua (tour) đi nước ngoài khá đông. Số khách mua tua đi Xin-ga-po, Trung Quốc, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia... đông gấp ba lần tua trong nước, mặc dù Vietnam Airlines khuyến mãi giảm giá vé tới 40%.

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng và người Việt Nam nói chung đi du lịch nước ngoài ngày càng đông, trong đó có lý do giá du lịch trong nước khá cao, khiến du khách "thích ngoại bỏ nội". Anh, chị Nguyễn Nam Liên (quận 3) trước khi nghỉ hưu quyết định đi du lịch Ma-lai-xi-a ba ngày hai đêm ở khách sạn bốn sao tại Thủ đô Cu-a-la-lăm-pơ, hết khoảng 10 triệu đồng kể cả tiền vé máy bay và ăn ở cho hai người. Giải thích lý do tại sao không đi tua trong nước, chị Nam Liên cho biết "riêng vé máy bay cho hai người đã hết bảy triệu đồng (vé giảm giá) nên chúng tôi không đi". Giá tua du lịch trong nước mà một số công ty du lịch ở TP Hồ Chí Minh đưa ra sáu ngày du lịch ở phía bắc là 11,69 triệu đồng (đã giảm 2 triệu đồng) ở khách sạn 3-4 sao. Tua Ðà Nẵng - Huế - Hội An năm ngày cũng nghỉ tại khách sạn 3-4 sao là 7,09 triệu đồng (đã giảm 2,2 triệu đồng), trong khi cũng chính các công ty này bán tua đi Thái-lan (Băng-cốc - Pa-tai-a) sáu ngày ở khách sạn 4 sao chỉ 5,8 triệu đồng.

Khách du lịch tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Linh Phương

Ngoài việc giá vé vận chuyển quá cao, giá phòng khách sạn trong nước còn quá đắt, gấp hai hoặc ba lần giá phòng ở Thái-lan, Cam-pu-chia. Giá phòng khách sạn 5 sao ở Cam-pu-chia khoảng 50-60 USD/đêm thì ở Ðà Nẵng 170-200 USD, ở TP Hồ Chí Minh 170-250 USD. Vào các ngày lễ, Tết giá thuê phòng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng liên tục tăng. Nhiều khách sạn tự động hủy phòng mặc dù khách đặt trước từ một đến ba tháng. Mặt khác, khách đi tua trong nước thường rất ít chi tiêu do các địa điểm du lịch ít hàng hóa, chủ yếu bày món nhậu với giá khá cao.

Theo Công ty du lịch lữ hành Sài gòn Tourist, chi phí ngoài tua (không tính giá tua) của khách TP Hồ Chí Minh đi du lịch châu Âu và Mỹ rất cao, từ 40 đến 120 triệu đồng/người chủ yếu mua sắm hàng hiệu, quần áo, túi xách, mắt kính, mỹ phẩm, giày dép, thuốc men... Ði du lịch ở Ô-xtrây-li-a trên dưới 50 triệu đồng, và đi du lịch các nước châu Á (ngoài Nhật Bản) chi tiêu từ 10 đến 20 triệu đồng. Ước tính hằng năm có gần hai triệu du khách trong nước đi chơi nước ngoài với mức chi tiêu khoảng hai tỷ USD. Trong khi ở trong nước, khách du lịch chi tiêu rất thấp, trung bình mỗi khách chỉ bỏ ra vài trăm nghìn mua sản vật địa phương.

Ðược biết, số khách đi du lịch nước ngoài: Khách outbound (du lịch thăm con, du học... ) ở Công ty Vietravel năm 2011 là 104.000 lượt khách, tăng 13% so với năm 2010 (doanh thu 1.400 tỷ đồng). Khách trong nước là 160.000 lượt, tăng 4% (doanh thu 375 tỷ đồng). Khách outbound ở Công ty du lịch lữ hành Sài Gòn tourist là 42.000 lượt khách, tăng 9% (doanh thu 658 tỷ đồng) khách trong nước 146.400 lượt, tăng 5% (doanh thu 520 tỷ đồng).

Hiện trên địa bàn thành phố có rất nhiều văn phòng đại diện của các cơ quan du lịch nước ngoài như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Thái-lan, Cam-pu-chia... Các văn phòng này hằng năm đều tung ra những chương trình quảng bá tiếp thị điểm đến khuyến mãi hấp dẫn, nhằm thu hút khách TP Hồ Chí Minh và khách du lịch Việt Nam. Các văn phòng du lịch nước ngoài đều xem TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là thị trường trọng điểm do lượng khách hằng năm tăng cao.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố (HTA) cho biết, trong số khách inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam), outbound (khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) và khách đi du lịch trong nước thì phần mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho ngành du lịch là khách inbound. Du lịch chính là ngành xuất khẩu tại chỗ thu ngoại tệ lớn, với outbound chỉ doanh nghiệp lữ hành tổ chức tua có lợi nhuận. Vì vậy inbound và nội địa tăng trưởng sẽ mang lại khá nhiều lợi ích cho cộng đồng. Outbound cũng góp phần quan trọng vào hoạt động của DN lữ hành, góp phần mở mang, hội nhập của người dân trong nước. Tuy nhiên xét trong thời điểm cụ thể của nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, phải chăng du lịch trong nước đang bị "chảy máu ngoại tệ".

Do chi phí cho du lịch nội địa cao đang làm cho du lịch Việt Nam rơi vào thế "yếu" so với du lịch các nước trong khu vực. Mới đây, Hiệp hội du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hãng Hàng không Việt Nam Airlines giảm giá vé 40% cho các đoàn khách trên một số chặng bay. Ðã có 19 công ty du lịch trên địa bàn tham gia, song do lượng vé máy bay giảm giá có thời hạn, số công ty tham gia ít nên không du khách nào được thụ hưởng vé giảm. Ngoài ra để mua được vé giảm, DN phải có danh sách khách hàng, trả tiền trước trong khi hành khách Việt Nam ít khi mua tua trước hai tuần, chưa nói đến việc khách lẻ muốn mua vé giảm hết sức khó khăn. Ngoài ra, theo các công ty du lịch: Du lịch trong nước chưa phát triển là do chưa có một nhạc "trưởng" điều hành phối hợp giữa các nhà vận chuyển, dịch vụ ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi... để có một sản phẩm giá cả hợp lý và chất lượng tốt. Khuyến khích khách Việt Nam đi tua trong nước cũng cần một chiến lược dài hơi, như đối với khách quốc tế. Vì vậy ngành du lịch cần chỉ đạo và phối hợp sở du lịch các vùng trọng điểm, thực hiện chương trình quảng bá thống nhất với các ấn phẩm giới thiệu địa điểm du lịch phong phú, đa dạng, các website tư vấn du lịch cần được thống nhất, tránh để các hướng dẫn viên tay "ngang" tự làm. Có như vậy những khu du lịch đẹp như mơ ở trong nước mới thu hút được khách trong nước.

Nguồn Báo Nhân Dân