Hướng đi mới của ngành Du lịch

(NTO) Quảng bá, xúc tiến thương hiệu là khâu đặc biệt quan trọng trong kinh doanh du lịch (DL). Sử dụng phương thức tuyên truyền, quảng bá thương hiệu DL là hết sức cần thiết và là con đường gắn kết giữa cung và cầu DL. Một khi thương hiệu DL đã có uy tín trên thị trường thì sức cạnh tranh của sản phẩm DL được nâng lên, thu hút được du khách đến với DL.

Du lịch cần được đánh thức…

Xác định được tầm quan trọng này, trong những năm gần đây, tỉnh ta đã chú trọng tập trung đẩy mạnh giới thiệu tiềm năng DL thông qua các hình thức tham dự các liên hoan DL; thông qua các sự kiện như: Năm DL Quốc gia, Liên hoan DL các vùng, miền… đồng thời đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử… Đặc biệt là tổ chức các sự kiện cấp quốc gia và quốc tế tại tỉnh ta như: Lễ hội Ka-tê, trại Điêu khắc quốc tế, Liên hoan Làng biển Việt Nam năm 2011, Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh nhà đến năm 2020… đã góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu cho DL Ninh Thuận, thúc đẩy sự gia tăng về thu nhập và lượng du khách đến tỉnh ta. Lượng du khách tăng bình quân 25,7%/năm, trong đó khách quốc tế 33,65/năm; thời gian lưu trú 1,9 ngày/lượt-người; doanh thu DL tăng bình quân 20,9%/năm, đây là một con số đáng mừng đối với ngành DL tỉnh nhà.

Khách du lịch quốc tế tham quan tháp Po Klong Garai. Ảnh: Văn Miên

Tuy nhiên, đến nay các sản phẩm DL của tỉnh chưa được nhiều du khách biết đến, mặc dù sản phẩm DL của tỉnh ta tuy chưa phải là tốt nhất, nhưng cũng đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của du khách. Theo ông Trương Trọng Nghĩa, Công ty Cổ phần Nam Núi Chúa cho biết: điểm còn yếu của DL tỉnh nhà là chưa có một thương hiệu cụ thể. Du khách trong và ngoài nước biết Ninh Thuận, nhưng chưa biết đâu là điểm nhấn của DL Ninh Thuận. Cũng theo ông Nghĩa, hạn chế nêu trên một phần do tỉnh chưa ưu tiên, dành nhiều cho công tác quảng bá, xúc tiến về các tiềm năng, sản phẩm DL; mặt khác các doanh nghiệp DL trong tỉnh chưa thật sự quan tâm đúng mức công tác này. Có những doanh nghiệp bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nhưng lại không dành kinh phí thỏa đáng cho việc quảng bá, xúc tiến thương hiệu (chưa nói đến việc đào tạo đội ngũ lao động để nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo uy tín lâu dài cho sản phẩm của mình). Chính vì thế, DL Ninh Thuận chưa đi vào lòng du khách.

Xây dựng thương hiệu DL

Theo ông Phạm Hiếu Thành, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Ninh Chử: “Để thương hiệu DL Ninh Thuận đến với du khách trong và ngoài nước, tỉnh cần phải có một chiến lược dài hơi cho việc quảng bá, xúc tiến thương hiệu DL. Trước mắt, tỉnh và các doanh nghiệp DL cần chọn một địa điểm đặc trưng để xây dựng thương hiệu DL cho mình. Cùng với nhu cầu đặc trưng của DL như tham quan, nghỉ dưỡng, hội họp, mua sắm… du khách cần những dịch vụ bổ sung này phải đặc trưng hơn các nơi khác. Thường xuyên tạo ra các sản phẩm đặc sắc, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của khách, nâng cao đội ngũ chất lượng lao động… phải đảm bảo chất lượng và không ngừng nâng cao sản phẩm dịch vụ”.

Vịnh Vĩnh Hy, một trong những thắng cảnh luôn hấp dẫn du khách.

Đồng chí Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: “Trong thời điểm hiện nay, công tác xúc tiến, quảng bá DL đứng trước một thách thức lớn, đó là làm thế nào để hình ảnh Ninh Thuận văn minh, thân thiện đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước”. Hướng đến mục tiêu đó, trong năm 2012, và những năm tiếp theo ngành DL sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá DL đi vào chiều sâu, chọn thị trường khách DL và nhà đầu tư để tăng cường công tác quảng bá và xúc tiến kêu gọi đầu tư; tham gia xây dựng và đề xuất các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng điểm đến và xây dựng sản phẩm du lịch mới. Công tác tham gia hội chợ, hội thảo về DL trong và ngoài tỉnh phải được đổi mới hơn về nội dung và hình thức, giới thiệu được những nét đặc sắc, tiềm năng độc đáo của DL tỉnh nhà với du khách và các nhà đầu tư. Ngoài ra, cần phải học tập kinh nghiệm công tác quảng bá xúc tiến của các tỉnh bạn trong và ngoài khu vực, để có thể trao đổi, liên kết phát huy tốt hiệu quả của công tác này; nhất là nối kết website du lịch với các tỉnh trong khu vực, vùng, miền của cả nước. Mặt khác, để công tác quảng bá, xúc tiến DL được tốt, cần chú ý hơn đến nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn nghiệp vụ DL. Trong đó, cần quan tâm đến đội ngũ hướng dẫn viên và thuyết minh viên ở các điểm DL. Thông qua đội ngũ này để giúp cho du khách hiểu biết khám phá những điều thú vị về vùng đất, con người, những nét văn hóa phong phú, đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

Để công tác quảng bá, xúc tiến DL của tỉnh thực sự phát triển sâu rộng và có hiệu quả, trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp, nhất thiết phải có sự đoàn kết, phối hợp toàn diện sự hợp tác, đồng thuận của chính quyền địa phương các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. Sự kết hợp các yếu tố nội lực và ngoại lực trong hoạt động xúc tiến DL sẽ đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn và có sức thu hút, tạo nên hình ảnh, thương hiệu DL tỉnh nhà.