Đẩy mạnh ưu tiên dùng hàng Việt !

(NTO) Qua gần 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị nhằm phát huy lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng, đẩy mạnh sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng và sức cạnh tranh cao…, có thể nói đến nay đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, chuyển biến mạnh về “tâm thức” của người tiêu dùng trong tỉnh.

Thông qua những cách làm thiết thực của các doanh nghiệp như tăng cường truyền thông quảng bá hàng sản xuất trong nước, tổ chức đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, miền núi để bán tại các phiên chợ hàng tháng; tổ chức các lần hội chợ, triển lãm… để vừa giới thiệu, vừa bán hàng “nội”. Nhờ đó đã từng bước tạo cho người tiêu dùng chú ý nhiều hơn đến các mặt hàng “nội” với mẫu mã, chất lượng không thua kém (thậm chí còn cao hơn) hàng nhập ngoại. Một vấn đề nữa là giá cả hợp lý trong điều kiện thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh còn thấp nên hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế đối với người mua. Tuy nhiên, có thể nói, phần lớn chỉ mới dừng lại ở nhiều mặt hàng tiêu dùng và với “đối tượng” là hộ gia đình còn đối với các cơ quan, đơn vị… việc mua sắm riêng chưa thật sự chú ý đến hàng sản xuất trong nước. Có nhiều lý do, đối với của doanh nghiệp bán hàng thì “ngại” chào hàng “nội” và ngay cả nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng chưa “tiếp thị” tốt mặt hàng của mình đến với các cơ quan, đơn vị mà chủ yếu là hướng đến thị trường chung. Chất lượng sản phẩm cũng là điều đáng bàn. Có những doanh nghiệp do làm ăn gian dối nên giữa chất lượng giới thiệu với chất lượng thực tế "khá xa" khi sử dụng nên vô hình trung đã làm mất lòng tin đối với người mua.

Người tiêu dùng lựa chọ mua sắm hàng Việt tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Để hàng Việt Nam thực sự chiếm ưu thế ngay trên “sân nhà”, vấn đề đặt ra là nhà sản xuất cần nâng cao chất lượng, mẫu mã phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thông qua việc đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, đồng thời giá cả phải thấp, vừa “túi tiền” người tiêu thụ. Đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập thể… cần nâng cao trách nhiệm khi mua sắm công, cụ thể là khi triển khai thực hiện các dự án, công trình có sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập thì ưu tiên chọn hàng “nội”. Muốn vậy, cũng cần có các chế tài phù hợp…

Đẩy mạnh ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng chính là góp phần xây dựng và phát triển nền sản xuất trong nước nói riêng và xây dựng đất nước nói chung.