Giải quyết nợ xấu: Việt Nam đang đi đúng hướng

Theo nhận định của một bài báo đăng tải trên trang Wall Street Journal, Việt Nam phải chịu áp lực rất lớn từ các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, những động thái tích cực gần đây cho thấy chính phủ đang đi đúng hướng trong việc giải quyết tình trạng này.

Bài báo phân tích: Giống như tình trạng phổ biến ở các nước châu Á, chính phủ Việt Nam đã bỏ ra rất nhiều tiền để kích thích nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu năm 2008-2009. Giờ đây, ngày càng có nhiều người đi vay gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ, đặc biệt là ở lĩnh vực bất động sản. Điều này càng làm tăng thêm lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế.

 Ảnh minh họa

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã công bố trước Quốc hội, tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng của Việt Nam đã lên đến 10%, tăng so với mức 6% cuối năm ngoái. Thống đốc cũng cho biết, chính phủ đang có kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ trị giá 100 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD) để giải quyết vấn đề này.

Theo giới phân tích, các vấn đề của Việt Nam là khá đặc biệt bởi không giống như phần còn lại của châu Á, Việt Nam có cán cân thương mại thâm hụt nặng nề gây áp lực lên đồng nội tệ và sau đó là lên sự ổn định của nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng phụ thuộc quá nhiều vào các tập đoàn nhà nước để tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp này chiếm tới 40% sản lượng của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này nợ ngân hàng tới 415 nghìn tỷ đồng và vẫn còn nợ tới 20-30%.

Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn tin rằng Việt Nam đang thực hiện các bước cần thiết để giải quyết vấn đề. Trong những năm gần đây, với cam kết cải cách các doanh nghiệp nhà nước và thắt chặt tín dụng của chính phủ, lạm phát được giảm xuống mức 8%, các khoản vay chỉ tăng 10,9% trong năm 2011, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình 35% trong giai đoạn 2006-2010. Đồng thời, lãi suất cũng được cắt giảm nhiều lần, từ đó giúp người đi vay tái cấu trúc các khoản nợ.

Nguồn VTV.VN