Xếp hạng thị trường bán lẻ: Việt Nam rớt hạng

Theo kết quả xếp hạng năm 2012 vừa công bố, chỉ sau 4 năm, Việt Nam đã không có mặt trong danh sách 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Tuy nhiên sự tụt hạng này được các chuyên gia phân tích, không chỉ xuất phát từ khó khăn của nền kinh tế, mà còn do hoạt động nội tại của chính các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

 Khách hàng lựa chọn mua các sản phẩm được bày bán tại Siêu thị Big C. Ảnh: Hà Nội

Đã từng ở vị trí quán quân năm 2008, đến nay cái tên Việt Nam đã vắng bóng trong top 30 các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. 1, 6, 14, 23… dãy số tăng dần đã minh họa cho sự tụt giảm liên tục về độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Có lẽ cũng không cần phải nhìn vào việc xếp hạng này của quốc tế. Để đánh giá thị trường bán lẻ và tiêu dùng Việt Nam có hấp dẫn hay không, chỉ cần lướt qua các khu chợ từ Nam ra Bắc. Từ chợ Vĩnh Lộc đến chợ Hàng Da để thấy và nghe chung một từ: “Ế”.

Sức mua của nền kinh tế suy giảm đã đẩy các doanh nghiệp bán lẻ rơi vào cảnh điêu đứng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính cung cách hoạt động hiện nay của nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã tự dồn họ vào bờ tường. 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: “Yếu nhất của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là tính cộng đồng, sự liên kết giữa sản xuất và phân phối. Chúng ta tạo chuỗi cung phân phối mà ma sát bằng không, cách làm ăn chộp giật, nhất thời, không bài bản cũng không phải là cá biệt”.

Sự suy yếu của các doanh nghiệp trong nước còn kéo theo một nguy cơ khác cho thị trường bán lẻ Việt Nam. “Hiện nay, trừ WorldMart, các hệ thống bán lẻ lớn như Lotte, BigC, Metro đã vào thị trường Việt Nam. Tôi nghĩ họ còn tiếp tục vào bằng nhiều con đường, vào một cách thầm lặng. Họ nghiên cứu rất kỹ, họ tổ chức trận đánh rất bài bản. Họ sẽ làm chủ thị trường các vùng và không loại trừ chúng ta có thể sẽ trở thành những người làm thuê cho họ”, ông Vũ Vinh Phú khẳng định.

Một cuộc “đại phẫu” là điều cấp thiết để vực dậy thị trường lúc này, từ ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tư cơ sở hạ tầng, đến tổ chức lại hệ thống phân phối, chống gian lận thương mại. Nếu có thể gỡ bỏ được các nút thắt đó, việc Việt Nam nằm trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới sẽ không chỉ là bức tranh của quá khứ, mà có thể sẽ được vẽ lại trong tương lai.

Nguồn VTV.VN