Mười năm phát triển hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân

(NTO) Có thể nói, qua mười năm tỉnh ta thực hiện Chỉ thị 57-CT/TW ngày 10-10-2000 của Bộ Chính trị “Về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân” đã để lại nhiều dấu ấn tích cực, góp phần đáng kể trong việc giúp người dân nông thôn xóa đói giảm nghèo.

Từ góc nhìn tổng thể

Ngày 27-7-1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg thực hiện Đề án thí điểm thành lập Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND), đến năm 2000, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 3 Quỹ TDND cơ sở ở các xã Phước Sơn (Ninh Phước); Nhơn Hải (Ninh Hải) và phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) với 2.474 thành viên tham gia. Tổng nguồn vốn hoạt động là 4.695 triệu đồng, trong đó huy động vốn tại chỗ là 3.509 triệu đồng. Tổng dư nợ cho vay đến năm 2000 là 4.194 triệu đồng, chủ yếu là cho vay hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ buôn bán nhỏ. Hầu hết Quỹ TDND được thành lập ở các địa bàn vùng nông thôn, đã góp phần tích cực trong hạn chế nạn cho vay nặng lãi và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Cán bộ Quỹ Tín dụng nhân dân phường Phủ Hà tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
của các hộ thành viên vay vốn sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Văn Miên

Nhưng trong quá trình hoạt động, cũng bộc lộ nhiều tồn tại như: tổ chức điều hành còn nhiều bất cập, có nơi vi phạm nguyên tắc, chế độ tài chính; hầu hết Quỹ TDND có tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn 10%, có nơi lên đến 30%. Nguyên nhân, do các đơn vị không thực hiện đúng mục đích trên hợp đồng tín dụng; chưa bám sát mục tiêu tương trợ thành viên; mở rộng quy mô hoạt động ngoài địa bàn vượt quá khả năng quản lý trong khi huy động vốn tại chỗ thấp, nên thường xuyên thiếu nguồn vốn chi trả tạm thời…dẫn đến thua lỗ kéo dài. Về khách quan, là do ở thời điểm cuối năm 1996 đến 1998, tình hình thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ xảy ra hàng năm đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân trong sản xuất, nhiều thành viên không còn khả năng trả vốn vay khi đến hạn, nên tình trạng nợ quá hạn phát sinh ngày càng tăng, làm cho các Quỹ TDND cơ sở rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả vốn huy động và việc huy động vốn tiếp tục càng khó khăn hơn. Về chủ quan, phần lớn cán bộ quản trị điều hành, tác nghiệp chưa bảo đảm trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quản lý, kinh doanh tiền tệ; số lượng cán bộ tác nghiệp ít, nên thường được bố trí mỗi khâu chỉ có một cán bộ đảm nhiệm, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên trong nội bộ; chưa tranh thủ được sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền… nên đã phát sinh một số sai phạm, tiêu cực.

Dấu ấn mười năm

Để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, ngày 31-1-2000, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Chỉ thị số 02/2000/CT-NHNN15 “Về việc triển khai các nhiệm vụ củng cố, hoàn thiện và tăng cường quản lý hệ thống Quỹ TDND sau giai đoạn thí điểm”; UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 10/2000/CT ngày 3-4-2000 chỉ đạo cụ thể việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 02 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tạo đà cho Quỹ TDND ở tỉnh ta củng cố, chấn chỉnh và phát triển ngay sau khi có Chỉ thị 57-CT/TW và Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Lê Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, sau khi tiếp nhận các chỉ thị của Trung ương, ngành và địa phương, đơn vị tổ chức nhiều lớp nghiên cứu, quán triệt trong toàn ngành, nhất là tổ chức quán triệt sâu kỹ đối với đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ tác nghiệp của Quỹ TDND và cấp ủy, chính quyền các địa phương có Quỹ TDND hoạt động. Bên cạnh đó, đã chủ động chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các phòng chức năng của đơn vị tăng cường hướng dẫn, tập huấn, thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động của từng cơ sở. Mục tiêu vừa bảo đảm an toàn, vừa nâng cao hiệu quả cho Quỹ TDND theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua đó, Đảng uỷ, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ và giám sát, giúp Quỹ TDND khôi phục uy tín, tiếp tục huy động vốn cũng như triển khai có hiệu quả các giải pháp thu hồi nợ quá hạn; xử lý nghiêm các trường hợp nợ chây ỳ của nhiều người… khắc phục những mặt hạn chế trước đây.

Quỹ tín dụng nhân dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) hoạt động hiệu quả
góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc

Minh chứng cho điều này là tính đến hết tháng 3-2012 (so với năm 2000), tổng số thành viên tham gia tại 3 Quỹ TDND là 5.246 người, tăng 112%; tổng nguồn vốn hoạt động là 31.604 triệu đồng, tăng 573%, trong đó vốn huy động tiền gởi là 14.094 triệu đồng, chiếm 44,60%, tăng 301,6%. Kết quả kinh doanh đến cuối năm 2011, lãi 621 triệu đồng, tăng 274,1% (bình quân mỗi Quỹ TDND lãi 207 triệu đồng).

Tổng dư nợ cho vay là 29.570 triệu đồng trong tổng nguồn vốn hoạt động, tăng 605%, chủ yếu là cho vay ngắn hạn. Cơ cấu dư nợ theo hướng tập trung sản xuất đối với các ngành kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, nên tỷ lệ nợ xấu giảm thiểu đáng kể.

Anh Lê Duy Hùng, Giám đốc Quỹ TDND phường Phủ Hà, cho biết: Được sự chỉ đạo và hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, đơn vị đã nhanh chóng củng cố năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt, cũng như cán bộ tác nghiệp, kịp thời khắc phục những khuyết điểm trước đó và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Đến nay, Quỹ TDND phường Phủ Hà có 90% cán bộ có trình độ từ trung cấp trở lên (trong đó trình độ đại học chiếm 43%, cao đẳng 14%), 75% cán bộ nhân viên được đào tạo nghiệp vụ. Điều đáng nói là Quỹ TDND phường Phủ Hà đã trở thành chỗ dựa, là người bạn đồng hành của các thành viên và thực hiện đúng mục tiêu “Tương trợ trong cộng đồng thành viên”. Trong giai đoạn 2000 – 2011, doanh số huy động thị trường là 134 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân hàng năm là 54,71%); giải quyết cho gần 4.000 lượt thành viên vay vốn với tổng dư nợ hơn chục tỷ đồng. Nhờ đó, có nhiều hộ thành viên vay vốn sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

Hiệu quả công tác tuyên truyền

Trong thời gian qua, có thể nói sự phối hợp đồng bộ giữa ngành ngân hàng với cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong đẩy mạnh tuyên truyền đã góp phần tích cực để Quỹ TDND khôi phục và hoạt động tốt hơn. Thông qua đó, người dân, thành viên hiểu Quỹ TDND là loại hình tổ chức tín dụng hợp tác hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã với nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động. Người dân hiểu được mục tiêu chủ yếu của Quỹ TDND nhằm tương trợ giữa các thành viên, phát huy sức mạnh tập thể để giúp nhau thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cải thiện đời sống. Người có điều kiện góp vốn và gởi tiền vào Quỹ TDND để giúp thành viên, người nghèo vay vốn sản xuất là góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn. Đồng thời khẳng định khi gởi tiền sẽ được Nhà nước bảo đảm quyền lợi thông qua bảo hiểm tiền gởi… Nhờ đó, các Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh tạo được niềm tin và thu hút nhiều thành viên tham gia.

Anh Huỳnh Thương, Giám đốc Quỹ TDND cơ sở Phước Sơn, nói: Nhờ có sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của địa phương trong việc tuyên truyền, xử lý thu hồi nợ xấu, giờ đây đơn vị không còn bị động trong việc huy động tiền gởi, chi trả tiền lãi huy động cho thành viên cũng như không còn lúng túng trong thu hồi nợ quá hạn. Đội ngũ cán bộ đã được đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu hoạt động của đơn vị và ngày càng tạo được lòng tin đối với thành viên.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, nếu năm 2000, tỷ lệ nợ xấu hơn 10% thì hiện nay đã giảm xuống còn 1,08%, hoạt động của các Quỹ TDND ngày càng phát triển.

Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Tuy còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng qua mười năm hoạt động cho thấy Quỹ TDND đã đóng góp tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; là một kênh vốn đắc lực, tạo nhiều thuận lợi cho công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong giai đoạn cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới.