Năm 2012 được xem là năm đặc biệt khó khăn đối với lĩnh vực phân phối bán lẻ bởi sức mua giảm mạnh. Năm 2011, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội chỉ tăng khoảng 4% sau khi loại trừ về giá, trong khi đó, bình quân 10 năm về trước là 11%. Trong 4 tháng đầu năm 2012, tình hình không cải thiện. Thị trường phân phối bán lẻ đang bước vào giai đoạn sàng lọc, đào thải khắc nghiệt. Vấn đề này đã được đặt ra tại hội thảo “Doanh nghiệp bán lẻ vượt khó 2012” do Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN phối hợp với Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên tổ chức ngày 11-5 tại TPHCM.
70% người dân tiết kiệm chi tiêu
Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, nếu năm 2011, Chính phủ cũng như các doanh nghiệp (DN) chật vật để chống chọi với lạm phát, thì bước sang năm 2012 tình hình lại khác. Trong tháng 4-2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,05% so với tháng 3 - mức thấp nhất trong 2 năm qua và là tháng thứ 9 CPI liên tiếp giảm. Với kết quả này, lạm phát đã được kiềm chế nhưng nhiều ý kiến lo ngại lạm phát giảm là tổng cầu tiêu dùng thấp, hàng hóa tồn kho cao buộc DN phải bán giảm giá để kích cầu. Theo bà Loan, lạm phát giảm cũng cần cảnh báo nguy cơ nền kinh tế có thể rơi vào vòng xoáy nguy hiểm vì DN phá sản, tăng trưởng trì trệ.
Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm hơn trong chi tiêu. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Phạm Thành Công, Chuyên viên cao cấp Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen VN cho rằng, kinh tế liên tục rơi vào vòng xoáy khó khăn nên buộc người tiêu dùng phải tiết kiệm nhiều hơn. Trong năm 2011, chỉ số tiết kiệm tại VN đã lên đến 70%, cao hơn rất nhiều so mức trung bình của người châu Á là 59%. 63% người mua sắm quan tâm đến giá cả và họ luôn tìm cách mua sắm tiết kiệm nhất. Cũng trong năm 2011, các chương trình khuyến mãi trở thành yếu tố tác động mạnh đến việc thay đổi lựa chọn cửa hàng và nhãn hàng của người mua sắm. Nói cách khác, khuyến mãi giúp cứu các DN bán lẻ trong tình hình sức mua giảm, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao.
Một kết quả của Nielsen rất đáng quan tâm, càng khó khăn thì người tiêu dùng càng đòi hỏi sự đa dạng, với sự xuất hiện ngày càng nhiều chủng loại sản phẩm. Tuy nhiên, cách làm này cũng không kéo được sức mua. Trong quý 1-2012, mức tăng trưởng của nhóm hàng tiêu dùng nhanh chỉ đạt 5% so với năm 2011. Những con số này khá trùng khớp với thực tế của ngành bán lẻ. Kết thúc quý 1, nhiều hệ thống siêu thị không đảm bảo doanh thu như dự đoán, bị giảm 10%. Thậm chí, tại các siêu thị điện máy, tình hình còn ảm đạm hơn khi sức mua giảm từ 30% đến 40% và dự báo tình trạng này còn kéo dài đến hết năm.
Vượt khó thế nào?
Thực tế cho thấy những DN bán lẻ lớn, có tiềm lực mạnh và nhanh nhạy ứng phó với diễn biến thị trường thì cách đối phó được áp dụng phổ biến nhất vẫn là chia sẻ với người tiêu dùng, thông qua việc bơm tiền, giảm lãi để thực hiện các chương trình khuyến mãi và chăm sóc khách hàng. Phó tổng giám đốc một hệ thống siêu thị cho biết, tính sơ bộ trong quý 1-2012, chi phí dành cho khuyến mãi của đơn vị này đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Nhưng theo cảnh báo của ông Phạm Thành Công, trong thời gian tới, khi thị trường và giá sản phẩm minh bạch thì cạnh tranh về giá sẽ không còn hiệu quả. Các DN cần phải năng động hơn như đa dạng nguồn hàng, tổ chức công tác hậu mãi tốt hơn…
Ông Danh Quý, Giám đốc Phòng Kế hoạch - đầu tư Saigon Co.op cho rằng, đã qua rồi thời người tiêu dùng chỉ nhặt sản phẩm, bỏ vào giỏ rồi ra tính tiền mà không cần quan tâm đến giá. Nay nếu siêu thị không khuyến mãi sẽ không bán được hàng. Dù khó khăn nhưng đây vẫn là thời điểm tốt để Saigon Co.op nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào các mục đích kinh doanh cốt lõi, chọn danh mục đầu tư an toàn, tránh dàn trải, quản trị tài chính hiệu quả và cải tiến nâng cao công nghệ quản lý. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng tăng cường hợp tác với các tỉnh thành, các HTX thành viên để tạo nguồn hàng dồi dào, chất lượng, đảm bảo giá thành cạnh tranh nhất.
Để ứng phó với tình hình hiện tại, nhiều ý kiến nhất trí cho rằng, các DN cần thực tế và năng động hơn, tập trung cắt giảm chi phí, tổ chức quản trị và phân chia rủi ro. Đặc biệt, cần xác định phân khúc thị trường tốt hơn, tìm kiếm thêm thị trường tiềm năng. Tối ưu hóa dây chuyền cung ứng và xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhà bán lẻ.
Ở góc độ vĩ mô, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh lộ trình giảm thuế thu nhập DN xuống mức 20%. Kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào, đặc biệt là giá điện, nước, than, xăng dầu, chi phí xuất nhập khẩu tại cảng… Có kế hoạch giãn tiến độ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ trên một cách hợp lý. Sớm thành lập Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa để tạo nguồn vốn ủy thác cho ngân hàng thương mại cho vay đối với các DN. Mở rộng cho vay thế chấp bằng sản phẩm của các DN.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có 17.735 DN giải thể và dừng hoạt động (tăng 9,5% so với cùng kỳ 2011). Điều đáng lưu ý, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ có số DN giải thể đứng đầu bảng với 5.297 DN, trong khi ngành xây dựng chỉ có 3.123 DN… Tỷ lệ bán buôn và bán lẻ đóng góp vào GDP ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành kinh tế ở VN với mức 14,43% năm 2010. Số người lao động trong ngành này nhiều thứ 3, với hơn 5,5 triệu người/49 triệu lao động của cả nước. Theo đó, bán lẻ cũng giữ tỷ lệ áp đảo với hơn 79% so với các phân ngành khác, trong khi dịch vụ lưu trú và ăn uống chỉ chiếm 11%, du lịch gần 10%…
Nguồn Báo SGGP Online