Giảm nhanh lãi suất nhưng không quá thấp
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thời gian qua NHNN đã giảm dần mặt bằng lãi suất theo tín hiệu lạm phát. Theo dự báo của NHNN, lạm phát năm nay có thể được kiểm soát ở mức dưới 10%. Nếu lấy lạm phát ở mức 8% - 8,5% làm mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nói chung và lãi suất nói riêng, cuối năm nay, lãi suất huy động sẽ ở mức 9% - 10%/năm. Đầu năm 2012, NHNN đã ra thông điệp, phấn đấu giảm lãi suất 1% mỗi quý nếu môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi.
“Thế nhưng, với diễn biến hiện nay của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát, chúng ta có điều kiện để có thể giảm lãi suất nhanh hơn nữa” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định. Mặc dù vậy, theo người đứng đầu NHNN, không nên kéo giảm lãi suất xuống thấp hơn mức 9% - 10%/năm. Lý do, với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% - 8,5% trong năm nay, lãi suất huy động ở mức 9% - 10%/năm là hợp lý. Mức lãi suất này nhằm để đảm bảo vị thế của VND, qua đó đảm bảo sự ổn định đối với thị trường ngoại hối.
Với lãi suất huy động 9% - 10%/năm, gửi tiết kiệm bằng VND vẫn hấp dẫn hơn nhiều so với các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản...
Lý giải về việc tín dụng trong 4 tháng đầu năm nay giảm 1,71%, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng đây là điều dễ hiểu trong bối cảnh kiềm chế lạm phát. Những năm trước tín dụng luôn tăng trưởng ở mức rất cao, bình quân 5 năm qua ở mức 34% và bình quân 10 năm trở lại đây 29%. Trong khi, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN đặt mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2012 ở mức 15% - 17%.
Tuy nhiên, NHNN cũng theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, liên tục tháo gỡ giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Dồn vốn cho sản xuất, xuất khẩu
Theo Thông tư số 14 của NHNN, từ ngày 8-5 vừa qua lãi suất cho vay tối đa đối với 4 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN nhỏ và vừa) được khống chế ở mức 15%/năm.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị khống chế để kiềm chế lạm phát, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý cần hướng dòng vốn đến những lĩnh vực có hiệu quả cao. Kết quả năm 2011 đã minh chứng sự đúng đắn của định hướng này khi tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng chỉ ở mức 13%, song tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 5,89%. Việc tín dụng xuất khẩu tăng 54% là một nhân tố quan trọng giúp xuất khẩu tăng 34%.
Tương tự, tăng trưởng tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn đạt trên 30% góp phần thúc đẩy khu vực này đạt được những kết quả ấn tượng. Với DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ - đây là động lực phát triển kinh tế và cũng là khu vực sử dụng lao động lớn nhất nên trong bối cảnh khó khăn, rất cần phải hỗ trợ.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, sẽ có những DN tiếp cận vốn dễ dàng, nhưng cũng có những DN gặp khó khăn trong vấn đề này. Bởi theo quy định của NHNN, mức lãi suất trần 15%/năm chỉ được áp dụng đối với những đối tượng có đủ điều kiện vay vốn theo quy định và được tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá tình hình tài chính lành mạnh.
Thống đốc khẳng định, bản thân các TCTD có thể cho vay với lãi suất thấp, thậm chí với mức lãi suất 13%/năm nếu họ chắc chắn thu được khoản nợ đó, vẫn có lợi hơn khi mua trái phiếu chính phủ, tín phiếu NHNN chỉ với lãi suất ở mức khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, giảm lãi suất chỉ là một trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ DN.
Nguồn Báo SGGP Online