Hiệu quả từ Dự án “Nuôi ghép cá trê lai và cá chim trắng” tại Thuận Bắc

(NTO) Qua khảo sát tại huyện Thuận Bắc, vai trò của nuôi trồng thủy sản có vị trí quan trọng và tiềm năng về nuôi trồng thủy sản nước ngọt chưa được khai thác hiệu quả, với lợi thế về ao hồ nước ngọt sẵn có trong các hộ dân, với tổng diện tích mặt nước 352 ha.

Chỉ tính riêng diện tích mặt nước ao của xã Bắc Phong có trên 80.500 m2, Lợi Hải 62.000 m2 là địa phương có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tạo ra đa dạng hóa các đối tượng nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị trên đơn vị sản xuất.

 
Mô hình nuôi ghép cá trê lai, cá chép và cá điêu hồng tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc.

Tuy nhiên trong những năm qua, bà con nông dân chưa chú trọng nuôi cá nước ngọt, có nuôi thì chỉ mang tính cải thiện bữa ăn gia đình hoặc dùng ao với mục đích khác, chưa chú trọng đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để đem lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn về nuôi cá nước ngọt có rất nhiều như ốc bươu vàng, cua, cám gạo, cám bắp, ...Vấn đề đặt ra hiện nay đối với địa phương là xác định quy mô, địa bàn và tìm giải pháp thích hợp để khai thác và sử dụng có hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường đối với diện tích nuôi trồng thủy sản vùng nước ngọt trên địa bàn huyện thuộc lưu vực hồ Sông Trâu trong thời gian tới.

Để từng bước hướng dẫn cho bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học vào nuôi trồng thuỷ sản vùng nước ngọt, trong năm 2011, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã đề xuất thử nghiệm 2 mô hình “Nuôi ghép cá trê lai + cá chim trắng” và “cá trê lai + cá chép + cá điêu hồng thương phẩm” trong ao đất, với quy mô 3.000 m2 để so sánh và đánh giá hiệu quả của từng mô hình, qua đó, cho bà con tham quan học tập, từ đó có cách nhìn mới trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản nước ngọt sẽ đem lại lợi ích như thế nào so với các cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích và nhân rộng ra trong địa bàn các xã.

 
Mô hình nuôi cá trê lai và cá điêu hồng thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao của nông dân xã Bắc Phong.
Ảnh: Sơn Ngọc

Đây là mô hình dễ nuôi, tận dụng không gian sống của các loài, đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao, thời gian thu hoạch ngắn, tận dụng thời gian nhàn rỗi, nguồn thức ăn tại chỗ, ít tốn công lao động, đối tượng nuôi ít nhiễm bệnh…Do vậy mô hình cần được nhân rộng cho bà con thực hiện.

Qua gần 6 năm triển khai, mô hình đã đem lại một số kết quả rất khả quan. Nhờ áp dụng và tuân thủ đúng theo quy trình của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh, đặc biệt là các khâu hỗ trợ cho bà con về giống 50%, thức ăn 50% và 100% các loại như: vôi, saponin, chế phẩm EM,... cùng với sự tư vấn giám sát và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, tốc độ tăng trưởng cá trê lai và cá chim trắng phát triển khá tốt. Qua nghiệm thu và đánh giá kết quả, hạch toán chi phí nuôi của mô hình tính được, chi phí tổng đầu tư trên 87 triệu đồng, doanh thu trên 111 triệu đồng, đạt lợi nhuận trên 23 triệu đồng. Qua kết quả cho thấy, cần khuyến khích các hộ dân nên tập trung phát triển và nhân rộng mô hình “Nuôi ghép đối tượng cá trê lai + cá chim trắng” vì phù hợp điều kiện tại địa phương, tăng trọng nhanh, tỷ lệ sống đạt cao so với dự kiến, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Có thể khẳng định đây là hướng đi đúng để bà con nông dân trên địa bàn huyện Thuận Bắc phát triển và nhân rộng mô hình nuôi ghép thử nghiệm “Cá trê lai + cá chim trắng thương phẩm” trong ao đất, nhằm phát triển đối tượng nuôi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.