Ông Phan Còn (người địa phương thường gọi là ông Tám Còn), sinh năm 1951. Gia đình ông có 1,1 ha đất ruộng và còn thuê thêm 1,8 ha để sản xuất lúa hàng năm. Trong vụ đông-xuân năm nay, ông Tám Còn thu hoạch được hơn 23 tấn lúa, năng suất bình quân từ 7,5 - 8 tạ/sào. Trừ tất cả các chi phí về công cán, phân bón... ông lãi khoảng 25 triệu đồng. Thu nhập cả năm từ cây lúa trừ chi mọi chi phí ông còn lãi trên dưới 70 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi về bí quyết chăm sóc cây lúa để cho năng suất cao, ông Tám Còn chia sẻ kinh nghiệm: “Năng suất lúa không chỉ phụ thuộc vào giống lúa, phân bón mà còn do cách chăm sóc nữa. Người làm lúa phải nắm được thuộc tính của đất canh tác, nắm rõ những chứng bệnh mà cây lúa hay mắc phải. Đồng thời cần thường xuyên đi thăm đồng, xem lượng nước ở ruộng thế nào là đủ, khi nào cần cho tháo nước hay đẩy thêm nước vào đồng”. Ông kể vanh vách từng chứng bệnh và cách trị bệnh cho cây lúa như một cán bộ khuyến nông dày dạn kinh nghiệm. Thu nhập từ việc trồng lúa mang lại cho ông cuộc sống no đủ và đã nuôi 6 người con ăn học trưởng thành, có công ăn việc làm.
Người dân làm ruộng xung quanh thôn và cả mấy thôn lân cận mỗi khi gặp khó khăn trong việc chăm sóc lúa thường tìm đến ông Tám Còn để hỏi cách khắc phục. Chị Nguyễn Thị Ba, ở thôn Thành Sơn kể cho chúng tôi nghe những vụ trước vì còn thiếu kinh nghiệm làm đồng nên mỗi vụ chỉ thu hoạch khoảng 3,4 tạ lúa/sào. Vụ đông- xuân năm nay, nhờ có ông Tám Còn hướng dẫn thêm kỹ thuật gieo trồng và thâm canh nên năng suất lúa nhà chị đã đạt 6,5 tạ/ sào, đời sống cũng đỡ vất vả hơn. Với tinh thần tượng trợ nhau trong sản xuất, ông Tám Còn luôn được nhân dân trong xã yêu mến, kính trọng.
Thảo Tiên