Vụ đông- xuân năm nay, huyện Ninh Phước gieo trồng gần 5.000 ha lúa, trong đó có 755 ha sản xuất sớm tại 2 xã Phước Hữu và An Hải, đến nay đã thu hoạch xong, với năng suất ước đạt từ 55-60 tạ/ha. Diện tích lúa còn lại, bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch. Các địa phương trong huyện đều thực hiện nghiêm túc lịch xuống giống, nên việc thu hoạch tại các xứ đồng luôn diễn ra trình tự, không bị chồng chéo. Anh Nguyễn Văn Phê, ở thôn Hoài Nhơn, xã Phước Hậu cho biết: “Lúc gieo lúa, chúng tôi luôn canh cho đúng lịch của cán bộ khuyến nông xã, mỗi xứ đồng gieo cách nhau 1 – 2 ngày, nên khi thu hoạch thường theo kiểu “cuốn chiếu”, rất thuận tiện.”
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của chiếc máy gặt đập liên hợp những năm gần đây cũng mang lại nhiều tiện lợi cho nhà nông. Có máy gặt, bà con giảm được công sức, các công đoạn thu hoạch cũng nhanh gọn hơn, nhờ đó diện tích lúa trên các cánh đồng cũng được thu hoạch nhanh hơn để nông dân có thêm thời gian làm đất, chuẩn bị gieo trồng cho vụ sau. Chị Hán Thị Tiền, ở xã Phước Thái cho biết: “Hiện nay, giá thuê máy gặt là 300 ngàn đồng/sào, chiếc máy này đi tới đâu, lúa hạt chảy vào bao tới đó. Mình chỉ mướn xe chở thẳng đến sân phơi thôi. Phơi xong là thương lái đến thu mua ngay tại chỗ.”
Cũng nhờ có máy gặt đập liên hợp, việc thu hoạch lúa nhanh hơn nên nhiều nông dân có thể tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thuê cho các thương lái để kiếm thêm thu nhập. Anh Lê Văn Bảo (Phước Hậu) cho biết: “Với mỗi tấn lúa thuê công các anh hốt vào bao và bốc xếp lên xe, mỗi người được 60.000 đồng. Mỗi ngày có thể kiếm được từ 200.000 – 300.000 đồng tùy lượng lúa thu mua nhiều ít.”
Theo ghi nhận của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, do thời tiết không thuận lợi, cộng với tình hình sâu bệnh nên vụ đông-xuân năm nay, năng suất lúa bình quân toàn huyện giảm so với năm ngoái. Anh Lưu Văn Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thái, một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn và năng suất cao nhất huyện cho biết: “Toàn xã có gần 900 ha trồng lúa. Vụ đông – xuân năm 2011, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, nhưng năm nay năng suất thấp hơn rất nhiều. Hiện nay bà con đã thu hoạch được khoảng 200 ha, năng suất bước đầu đạt 52 tạ/ha, nhưng do còn một số diện tích bị sâu bệnh và ảnh hưởng của bão số 1 nên năng suất bình quân toàn vụ thì có thể thấp hơn, ước tính chỉ được khoảng 50 tạ/ha”.
Anh Lưu Văn Long cũng cho biết thêm, vụ lúa này xã Phước Thái có 35 ha lúa của 32 hộ gia đình áp dụng mô hình “Cùng bà con ra đồng” với sự hỗ trợ của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Được sự hỗ trợ, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên không chỉ giảm được chi phí sản xuất mà năng suất của diện tích lúa này cao hơn hẳn những ruộng lúa khác, bước đầu đạt 60-62 tạ/ha.
Bên cạnh năng suất lúa không cao, không ít nông dân cũng đang lo lắng bởi giá lúa hiện nay chỉ dao động ở mức 5.200 – 5.400 đồng/kg – thấp hơn nhiều so với giá thu mua năm ngoái. Nhẩm tính các khoản đầu tư cho hơn 3 sào lúa của mình, anh Quảng Đại Duy (xã Phước Thái) lắc đầu: “Mỗi sào lúa đầu tư tiền phân, thuốc đã gần 3 triệu đồng, đến khi thu hoạch tiền công cán thêm 1 triệu đồng nữa, với giá lúa thấp như hiện nay, khi trả nợ xong, không biết có đủ tiền xoay vòng sản xuất lại không nữa...”.
Do thời gian đóng nước kéo dài 45 ngày (để kiên cố hai đầu kênh Nam) nên vụ hè- thu năm nay huyện Ninh Phước sẽ xuống giống muộn hơn so với mọi năm. Theo đó, các đồng lúa một vụ sẽ xuống giống vào đầu tháng 5, số diện tích còn lại sẽ gieo vào tháng 6. Hiện nay Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Phước cũng đã có kế hoạch triển khai, hướng dẫn nông dân trong việc tuân thủ lịch xuống giống, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, đặc biệt là khuyến cáo bà con chọn các giống lúa ngắn ngày, kháng sâu bệnh, dễ chăm sóc, năng suất cao…
Bích Thủy - Bảo Bình