Phát triển kinh tế tập thể góp phần xây dựng nông thôn mới

(NTO) Kinh tế tập thể ở nông thôn bao gồm các hình thức tổ hợp tác (THT) và tố chức Hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp và nông thôn. Trong những năm qua, kinh tế tập thể ngành nông nghiệp cùng kinh tế các thành viên và hộ xã viên vùng nông thôn đã đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng GDP toàn tỉnh, bình quân chiếm 7,86%, riêng năm 2010 là 9%. Sự phát triển kinh tế tập thể đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn tỉnh ta.

Theo đồng chí Châu Thăng Long, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), thành quả biểu hiện rõ nhất của kinh tế tập thể là đã nâng cao tinh thần hợp tác trong cộng đồng dân cư, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Liên minh trồng rau an toàn An Hải (Ninh Phước) cho thấy hiệu quả
mang lại của kinh tế tập thể ngành nông nghiệp
 

Toàn tỉnh hiện có 790 THT, chưa kể còn có các mô hình, các tổ liên kết, liên minh các hộ nông dân sản xuất cũng được thành lập từ các Chương trình, Dự án, và 43 HTX dịch vụ nông nghiệp, ngành nghề và thủy sản. Các THT tập trung phần lớn ở lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản (có 514 THT), tín dụng (182 THT), còn lại rải rác trong các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, riêng lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp có 17 THT. Về HTX, ngoài 1 HTX Ngư nghiệp ở Vĩnh Hy (Vĩnh Hải, Ninh Hải), toàn tỉnh có 42 HTX dịch vụ Nông nghiệp, ngành nghề, trong đó có 5 HTX thành lập mới năm 2011 là HTX Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, HTX Gốm Bàu Trúc, HTX sản xuất và chế biến nông sản Thái Thuận ( Ninh Phước), HTX Gỗ Mỹ nghệ FronFa (Ninh Sơn) và HTX dịch vụ Nông nghiệp Phước Thắng (Bác Ái). Qua 5 năm (2006-2011) hoạt động, các hình thức THT và HTX đã phát triển đa dạng ngành nghề dịch vụ ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt đã tạo niềm tin và sự gắn bó của các hộ xã viên đối với HTX, khẳng định được thế đứng mới của kinh tế tập thể trong thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, theo ngành NN&PTNT, song song kết quả đạt được, kinh tế tập thể vẫn có nhiều tồn tại cần giải quyết, trước hết là trình độ chuyên môn, quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu, thiếu linh hoạt, ít nắm bắt thị trường; hiệu quả hoạt động của một số HTX còn hạn chế về qui mô, có nơi còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên nên chưa chủ động trong sản xuất kinh doanh. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể ngành nông nghiệp còn bất cập, dẫn đến hiệu quả thấp trong việc triển khai Luật HTX và các chính sách khuyến khích hỗ trợ HTX. Công tác kiểm tra, giám sát, việc tổng kết, đánh giá định kỳ và rút kinh nghiệm để giúp các HTX sửa chữa, uốn nắn những sai phạm về xử lý nợ, quản lý tài chính, quản lý các hoạt động dịch vụ trong thời gian qua chưa thực hiện tốt.

Tổ hợp tác trồng táo ở xã Phước Thuận (Ninh Phước) nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương

Dù còn có mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục, nhưng sự đóng góp tích cực của kinh tế tập thể đối với phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Theo Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể ngành nông nghiệp năm 2012 và định hướng đến năm 2015, tỉnh ta xác định mục tiêu tổng quát là đổi mới và phát triển các loại hình kinh tế tập thể; nâng cao tốc độ tăng trưởng, đưa kinh tế tập thể đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng GDP của tỉnh; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên và cộng đồng dân cư vùng nông thôn, vùng biển và vùng dân tộc miền núi. Cụ thể sẽ tăng bình quân hàng năm khoảng 5% HTX nông nghiệp, thủy sản và ngành nghề, khuyến khích HTX mở rộng quy mô, ngành nghề, dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiến đến thành lập Liên hiệp HTX nông nghiệp; tăng bình quân hàng năm 1% THT, khuyến khích THT có đủ điều kiện đăng ký thành lập HTX. Phấn đấu doanh thu HTX tăng bình quân trong năm 6%; thu nhập của lao động từ kinh tế tập thể tăng gấp hai lần so với năm 2011. Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp trước hết là các ngành, địa phương phải tổ chức lại sản xuất của kinh tế tập thể, nhất là các HTX. Sớm nghiên cứu hình thành nhiều liên minh sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp với HTX, giữa HTX với THT, giữa doanh nghiệp với THT và giữa doanh nghiệp với nông dân; nâng cao trình độ, năng lực quản lý của HTX; đẩy mạnh đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và các kiến thức khoa học, kỹ năng về thao tác cơ giới, công nghệ cho xã viên, nông dân.

HTXDVNN Vụ Bổn (Phước Ninh,Thuận Nam) làm chỗ dựa cho xã viên phát triển kinh tế hộ.

Theo chúng tôi, trước vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, kinh tế tập thể ngành nông nghiệp rất cần được hỗ trợ nhiều hơn. Muốn vậy, phải thực hiện tốt các giải pháp về khoa học, kỹ thuật; đầu tư vốn; liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư khác; có chính sách cho các doanh nghiệp liên minh với HTX và bổ sung, kiện toàn công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.