Nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho các tác phẩm điện ảnh

Hiện có người muốn xóa nhòa ranh giới của phim tư nhân và phim Nhà nước mà chỉ lưu ý đến chất lượng. Trong khi phim tư nhân hoạt động theo kinh tế thị trường, đề cao tính giải trí, thì dòng phim do Nhà nước đầu tư (phim Nhà nước) lại chú trọng những mục tiêu khác cao hơn, đi vào những vấn đề lớn của đất nước, phản ánh hiện thực xã hội và tôn vinh những ký ức đẹp về một thời hào hùng.

Trong những năm gần đây, Nhà nước chỉ đầu tư khoảng từ hai đến năm phim (nếu tính trung bình khoảng 3,5 phim) một năm, so với tổng số phim sản xuất trong nước (khoảng mười phim). Tính về số lượng, phim của Nhà nước đầu tư thường bị áp đảo bởi phim tư nhân. Và nếu so với khoảng 115 phim nhập từ nước ngoài mỗi năm, sự thật, số phim Nhà nước là quá nhỏ bé.

Phim Ðừng đốt do Nhà nước đầu tư thu hút công chúng và giành nhiều giải thưởng
trong nước và quốc tế.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Nhà nước, với tư cách là một chủ đầu tư mạnh, có trong tay một đội ngũ nghệ sĩ đông đảo lại để cho dòng phim Nhà nước ngày càng suy yếu? Ðạo diễn Vũ Xuân Hưng đã mô tả quá trình làm phim của các nghệ sĩ vô cùng khó khăn. Với kinh phí hạn hẹp, lại không có trường quay, phải quay phim trong nhà dân, quay ngoài đường. Cảnh quan thì liên tục thay đổi nên mất nhiều thời gian và chất lượng không cao. Lương của nghệ sĩ trong hãng phim thấp. Hiện nay, nghệ sĩ ít tuổi nhất công tác tại đây cũng đã ở tuổi 45, lớp trẻ chạy sang truyền hình. Ðể bù đắp kinh phí, đoàn làm phim buộc phải đi liên hệ với một số cơ quan nhà nước khác nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng cũng rất khó khăn. Với tình hình này, rồi đến lúc chẳng còn nghệ sĩ tâm huyết với các hãng phim Nhà nước nữa, lớp kế cận sẽ mất.

Nhiều năm nay, đối với những bộ phim do Nhà nước đầu tư, khi việc sản xuất hoàn thành, được nghiệm thu thì cũng là lúc bộ phim rơi vào tình trạng không còn sự hỗ trợ nào khác. Kinh phí thấp đến nỗi khoản tiền vốn ít ỏi dành cho truyền thông, họp báo nay gần như không dám nghĩ đến. Và "đầu ra" của phim Nhà nước bị tắc ngay sau khi phim hoàn thành, dù phim ấy có được giải cao trong LHP quốc gia đi chăng nữa. Lý do của hiện tượng này là hệ thống rạp hiện nay không nằm trong tay Nhà nước (rạp chất lượng cao của Nhà nước ít, đang bị rạp tư nhân dồn ép), thậm chí kể cả với rạp của Nhà nước thì do cơ chế tự hạch toán, thỏa thuận ăn chia lợi nhuận, họ cũng dành nhiều ưu ái hơn cho các phim nhập từ nước ngoài và phim tư nhân chiếu cùng thời điểm. Phần lớn phim Nhà nước làm về đề tài cách mạng, chiến tranh chưa phù hợp thị hiếu của những khán giả trẻ thành phố vốn say mê nhiều hơn với đề tài tình yêu, những câu chuyện giàu tính hài hước hoặc kỳ dị. Trong khi đó, ở nông thôn thì hầu như đã lâu lắm không có phim nhựa để chiếu. Các đội chiếu bóng lưu động gần như đã giải tán, không còn hoạt động nữa. Hoạt động của Fafilm Việt Nam thì gần như tê liệt. Phim Nhà nước thật sự khó khăn chồng chất đủ đường.

Ai cũng biết, việc đầu tư có hiệu quả cho một sản phẩm điện ảnh phải bắt đầu từ khâu sản xuất đến khâu phát hành, chiếu bóng. Nếu phim sản xuất ra không được chiếu thì việc sản xuất ra chẳng có ý nghĩa gì. Phim không ra được rạp, làm xong chiếu một số buổi rồi cất vào kho thì vừa tốn kém của Nhà nước, vừa phí công lao của nghệ sĩ làm phim. Muốn chiếu được thì phải có phim hay, phải quảng bá rộng, phải phá vỡ định kiến của một số khán giả rằng phim Nhà nước là phim "để kỷ niệm ngày lễ" không phù hợp thị hiếu. Và cuối cùng, để đạt được mục đích của Nhà nước là truyền bá những tư tưởng chính thống, những sáng tạo chân chính, vì cộng đồng, phải sử dụng các phương tiện hiện có của Nhà nước để đưa phim đến với công chúng.

Chúng tôi cho rằng, lợi ích của dòng phim Nhà nước không đơn giản chỉ tính bằng doanh thu của mỗi phim. Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế thì Nhà nước không cần phải sở hữu các hãng phim, cũng chẳng cần phải đầu tư kinh phí sản xuất. Cứ vận hành theo kinh tế thị trường, tự khắc các hãng phim sẽ tìm cách để tồn tại, thích nghi. Lợi ích của dòng phim Nhà nước là ở chỗ nó sẽ giúp Nhà nước chi phối vào một trong những ngành nghệ thuật quan trọng và ở đó, với sự bảo trợ của Nhà nước, các nhà làm phim có điều kiện thực hiện những bộ phim lớn về lịch sử, về thời đại, về dân tộc, không chịu áp lực mạnh về vấn đề thu chi trên thị trường phim ảnh. Và nếu vậy, chúng ta cần một cách làm khác.

Trước hết, chúng ta chỉ nên dồn sức đầu tư cho những dự án phim thật sự quan trọng. Nghĩa là, những bộ phim tôn vinh những truyền thống vĩ đại của dân tộc, những phim về các danh nhân lịch sử, hoặc khẳng định bản sắc văn hóa, phẩm cách của người Việt trong thời hội nhập và phát triển, những phim phục vụ những nhiệm vụ trọng đại mà thực tế đặt ra... Chúng ta không cần làm nhiều phim mà hướng đến sự tư duy hoàn thiện với mục tiêu rõ ràng là có những tác phẩm lớn, thành công. Và sau khi sản xuất thì phải quảng bá rộng khắp, phải sử dụng các rạp trong hệ thống của Nhà nước, cả những rạp tư nhân chiếu thành đợt phim có tính chất cao trào, giá vé có thể hạ xuống để phù hợp nhu cầu thưởng thức của số đông người dân. Cuối cùng là phải đưa phim về nông thôn, thông qua các đơn vị chiếu bóng lưu động được đầu tư thỏa đáng, để bà con ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với nghệ thuật điện ảnh. Sau đợt chiếu có tính cao trào ấy, nên phổ biến trên màn ảnh nhỏ của VTV để phục vụ người dân. Làm được như vậy mỗi bộ phim có thể có đến cả triệu người xem. Nếu chúng ta bỏ ra khoảng một triệu USD để đạt được lượng người xem như thế thì đã là một thành công rồi.

Tóm lại, chỉ khi việc đầu tư của Nhà nước cho phim trên thực tế từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng mới tạo nên hiệu quả rõ nét và mới kiểm soát được mục tiêu đặt ra. Nếu vẫn giữ cách làm như trước đây, đầu tư phim nhỏ giọt, với kinh phí thấp, làm phim chất lượng vừa phải, không có kế hoạch phổ biến sâu rộng thì đó chỉ là cách làm việc nửa vời. Cách đầu tư thiếu hiệu quả cho điện ảnh thời gian qua đã đến lúc cần thay đổi.

Nguồn Báo Nhân Dân