Triển lãm Làng nghề dân gian truyền thống quy tụ khoảng 30 gian trưng bày, sản xuất, tái hiện 10 làng nghề dân gian truyền thống như Rượu làng Vân, Mỳ Chũ (Bắc Giang), Tranh đá quý (Chuyên Mỹ, Hà Nội), Gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), Dệt Triều Khúc (Hà Nội), Lụa tơ tằm (Hà Đông - Hà Nội), Vàng bạc Kiêu Kỵ (Kiêu Kỵ - Hà Nội), Rượu cần (Hòa Bình), tranh Hàng Trống (Hà Nội)...
Hình ảnh ông đồ rất đỗi quen thuộc với mọi người dân Việt Nam. Ảnh: Minh Điền
Bên cạnh nhiều hoạt động vui chơi giải trí, thể thao dân tộc, các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc, trò chơi dân dã của các cộng đồng dân tộc tham dự Liên hoan văn hóa các dân tộc Việt Nam, ngày mai 19-4, phiên chợ vùng cao, điểm nhấn của ngày hội sẽ chính thức được phục dựng.
Tối cùng ngày, sẽ diễn ra Đêm hội tôn vinh Văn hoá các dân tộc Việt Nam với chủ đề “Vận Nước năm Rồng - Đại đoàn kết - Khát vọng & Thăng hoa” kịch bản của nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục.
Đêm tôn vinh văn hóa các dân tộc sẽ tái dựng lại phiên chợ của vùng cao phía Bắc, chợ nổi Nam Bộ, chợ đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phục, trong ký ức của nhiều người Việt Nam, mỗi lẫn đi chợ cũng là đi hội. Những phiên chợ này sẽ phác họa một cách sinh động những đặc sắc văn hóa của các dân tộc.
Chương trình sẽ hạn chế những màn biểu diễn của các diễn viên chuyên nghiệp đến từ các nhà hát ca múa nhạc. Các chủ thể văn hóa, tức là những đồng bào người H’Mông, Dao, Mường, Thái hay người dân vùng sông nước Nam Bộ sẽ giới thiệu về đặc sắc văn hóa của dân tộc mình.
Nguồn Báo SGGP Online