Chương trình sinh hoạt nghệ thuật chủ đề “Ca trù xưa và nay” diễn ra tại tư gia GS-TS Trần Văn Khê đã mang đến các bạn trẻ TPHCM những kiến thức thú vị về nghệ thuật ca trù, một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Các thành viên giáo phường ca trù Thăng Long biểu diễn trong chương trình Ca trù xưa và nay.
Độc đáo nghệ thuật ca trù
Theo GSTS Trần Văn Khê, khác với âm nhạc truyền thống dân gian, ca trù là một bộ môn nhạc thính phòng trong âm nhạc truyền thống bác học. Ca nương (cũng là người gõ phách) ém hơi trước khi nhả chữ, miệng không được há to nhưng phải tròn vành và rõ chữ, đặc biệt khi ngân thì không ngân vang mà phải ngân sao cho… đổ hột.
Một chương trình ca trù phải có tối thiểu 3 người: 2 nghệ sĩ (một đào nương vừa ca vừa gõ phách và một kép đàn sử dụng đàn đáy để cùng phụ họa) và một quan viên cầm chầu. Vị quan viên thường không thuộc nhóm nghệ sĩ này nhưng phải am hiểu nghệ thuật ca trù, cũng có thể là người sáng tác lời ca, thường là thơ. Họ gặp nhau để mang đến những phút thăng hoa cho thơ ca Việt Nam (từ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ đều có trong ca trù) nên ca trù còn gọi là thể thơ hát nói.
Nghệ sĩ ca trù xuất phát từ nông dân nhưng phải học rất công phu và rèn luyện khắt khe. Muốn học ca trù, ca nương phải xin ở nhà thầy, đổi họ mình lấy họ thầy, người có thanh, sắc và đức hạnh. Để được làm ca nương, người học phải được thầy tổ chức lễ mở xiêm áo. Khi thầy dạy thấy học trò của mình đủ khả năng giới thiệu nghệ thuật ca trù một cách chính xác và cho phép mặc trang phục của một ca nương, lễ này cũng giống như một bằng cấp ngày nay. Không như một số người lầm tưởng, nghệ thuật ca trù rất công phu, đặc sắc, độc đáo và tế nhị của người Việt Nam.
Theo thể cách xưa, ca trù có 3 loại: hát chơi, hát cửa đình và hát thi. Hát chơi thường cũng nhiều hình thức: hát tại nhà riêng, hát tại nhà quan hoặc tại ca quán.
Những tín hiệu vui
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/ Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu/Người xuống ngựa khách dừng chèo/Chén quỳnh mong cạn nhó chiều trúc tơ… Được hai nghệ nhân nhiều kinh nghiệm Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ nhận làm đệ tử chân truyền, truyền dạy biểu diễn nghệ thuật ca trù, ca nương Phạm Thị Huệ chinh phục khán giả vừa bằng lối ca tinh tế, già dặn vừa bằng ngón đàn đáy rất thuần thục. Bất ngờ nhất có lẽ là phần xuất hiện của ca nương nhí Nguyễn Huệ Phương (con gái của nghệ sĩ Phạm Thị Huệ) 13 tuổi với bài Hồng hồng, tuyết tuyết. Được mẹ dạy ca trù từ năm 8 tuổi, Huệ Phương biểu diễn khá chững chạc và tự tin, được nhiều khán giả khen ngợi.
Không khí giao lưu càng sôi nổi hơn khi GS-TS Trần Văn Khê chia sẻ: “Tôi rất vui vì trong buổi sinh hoạt nghệ thuật ca trù hôm nay, không hẹn mà gặp, ngoài các thành viên giáo phường Thăng Long, nhà thơ Nguyễn Quảng Tuân, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn còn có mặt hậu duệ các bậc nghệ sĩ ca trù tên tuổi: con trai - con dâu nghệ nhân Quách Thị Hồ, con gái nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc”.
Nói về quá trình phát triển của giáo phường ca trù Thăng Long, ca nương Phạm Thị Huệ cho biết: “Không như xưa ca trù chỉ truyền dạy trong dòng tộc, vì mục đích bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca trù, nhiều năm nay, ngoài việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật ca trù phục vụ du khách trong và ngoài nước, chúng tôi còn quan tâm và dành thời gian truyền dạy sinh viên Nhạc viện Hà Nội về nghệ thuật truyền thống ca trù. Có dịp đến với Hà Nội, mời các bác đến giáo phường ca trù Thăng Long của chúng tôi”.
“Nhiều lần đưa du khách đến các điểm biểu diễn nghệ thuật, tôi thấy buồn vì nhiều nơi âm nhạc truyền thống bị cải biên quá đà, không phù hợp thậm chí nhố nhăng. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên nghe ca trù đúng chất truyền thống, tôi rất xúc động và tự hào về loại hình nghệ thuật tinh hoa của dân tộc Việt” - anh Hồ Nhựt Quang, một hướng dẫn viên du lịch ở TPHCM bày tỏ.
Nguồn Báo SGGP Online