Giỗ Tổ Hùng Vương- Một dân tộc, một nguồn cội

Từ những bài học đầu tiên, mọi trẻ em Việt Nam đều được dạy và thuộc nằm lòng câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Giỗ Tổ Hùng Vương là truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, là ngày lễ thiêng liêng để mỗi người dân Việt cùng nhau hướng về cội nguồn tổ tiên, thành kính tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng, đồng thời cũng là hoạt động mang giá trị tinh thần sâu sắc, khơi dậy tình đoàn kết và tự hào dân tộc trong mọi thời kỳ lịch sử.

 “Con người có tổ, có tông”

Có thể nói, thời đại Hùng Vương là trang đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, với công lao to lớn của các Vua Hùng khai sơn phá thạch, xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Kể từ đó, các Vua Hùng đã được người Việt tôn vinh là thủy tổ của dân tộc. Nói cách khác, mọi người Việt đều có chung một tổ tiên, là các vị Vua Hùng. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với công lao lập nước của tổ tiên, đồng thời thể hiện ước vọng được tổ tiên che chở, mong cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa của người Việt.

Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông, đến đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, viết rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”. Đến đời nhà Nguyễn, năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ, định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Kể từ đó, Giỗ Tổ Hùng Vương được chính thức hóa bằng luật pháp. Điều này được ghi lại trên tấm bia lập năm Bảo Đại thứ 15 - 1940, hiện đang đặt ở Đền Thượng.

Giỗ Tổ Hùng Vương là truyền thống tốt đẹp của Việt Nam.

Kế tục truyền thống ông cha, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946, cho phép công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày 2/4/2007, Quốc hội phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Như vậy, quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình diễn tiến từ thấp đến cao, liên tục được các thế hệ xây dựng, bồi đắp, dần trở thành loại hình tín ngưỡng văn hóa tôn giáo đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần - tâm linh của người dân Việt Nam. Đây cũng là biểu tượng khơi nguồn và tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử.

Với những giá trị đặc sắc nổi bật, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012. Theo đánh giá của UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Biểu tượng tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khẳng định người Việt ta có chung một nguồn gốc, một tổ tiên, tạo nên niềm tin tâm linh mạnh mẽ, từ đó hun đúc lòng tự hào, hình thành truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau một cách tự nhiên. Đó cũng là nét độc đáo của dân tộc ta mà không quốc gia, dân tộc nào trên thế giới có được.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc. Đối với mỗi người Việt Nam, việc hành hương về Đền Hùng trong ngày giỗ tổ, thành tâm thắp một nén hương trước sự chứng giám của tổ tiên, trời đất là niềm mong mỏi, khát khao, như một hành trình tìm về với bản ngã, cội nguồn và lịch sử. Trên phương diện cộng đồng, xã hội, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hiểu như một ký ức tập thể, là những dấu ấn, hồi ức của nhân dân về quá khứ dân tộc, thông qua trao truyền và phát triển đã trở thành sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc. Những hoạt động này là bài học quý báu giáo dục chúng ta ý thức về tổ tiên, về nguồn cội; là tiền đề, cơ sở để hình thành sự biết ơn, lòng nhân ái, đạo đức cộng đồng; nhắc nhở mỗi cá nhân hành động theo các chuẩn mực xã hội, qua đó khơi dậy lòng tự tôn, tự hào và ý chí vươn lên, hoàn thiện, phát triển những đức tính tốt đẹp của dân tộc trong mọi thời kỳ lịch sử.

Không chỉ giới hạn ở Đền Hùng hay Phú Thọ, có tới hơn 1.400 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương xuất hiện trên khắp các vùng miền từ Bắc vào Nam, cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ và sức sống bền bỉ của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống nhân dân cả nước. Trong dịp lễ trọng đại này, Phú Thọ -

Đền Hùng thường đón tiếp hàng triệu lượt du khách thập phương đến dâng hương, tưởng nhớ các Vua Hùng. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng với nhiều chương trình, hoạt động vừa linh thiêng, hào hùng, vừa hấp dẫn sôi nổi; tái hiện đậm nét văn hóa thời đại Hùng Vương, đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống trong xã hội đương đại. Với những nỗ lực không ngừng của tỉnh Phú Thọ, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ đã trở thành một lễ hội quốc gia mẫu mực, mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Phú Thọ - một vùng đất giàu tiềm năng du lịch.

Đặc biệt, vượt ra ngoài phạm vi quốc gia, nhiều năm qua, việc tổ chức ngày giỗ tổ Vua Hùng đã xuất hiện và được duy trì ở những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống ở nhiều nước trên thế giới. Kể từ năm 2015, Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ giỗ tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu - được tổ chức đều đặn hằng năm, đã tạo dựng được một ngày văn hóa chung, không chỉ giúp kết nối người Việt trên toàn cầu với quê hương, cội nguồn, cảm nhận giá trị thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào”, mà còn góp phần xây dựng cây cầu văn hóa hữu nghị sâu sắc giữa người Việt Nam và bạn bè quốc tế, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy sự đoàn kết, sát cánh, không ngừng phấn đấu vì một tương lai phát triển toàn diện, bền vững của Tổ quốc.




  

 
Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp quý I/2025