Vắng bóng Hội Nhà văn
Với giấc mơ “đưa văn chương Việt ra thế giới” có thể nói chúng ta đã làm nhiều việc, chủ yếu là về mặt hình thức. Từ năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức hội nghị về vấn đề quảng bá văn học Việt Nam với thế giới. Đến năm 2010, hội nghị lần thứ hai được tổ chức đầy rầm rộ tại Hà Nội với hơn 150 khách nước ngoài tham gia. Ý kiến đóng góp đầy tâm huyết liên tục được nêu ra, tất cả đều hồ hởi vì một tương lai văn học trong nước bay xa.
Thị trường sách tràn ngập các đầu sách nhập, sách dịch trong khi đó sách Việt
vẫn chưa tìm thấy con đường để đi ra với thế giới. Ảnh: T.Vân
Thế nhưng, thực tế việc đưa văn học trong nước ra bên ngoài vẫn lặng lẽ, trống vắng. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những tác phẩm cổ điển như Truyện Kiều, thơ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, các tác phẩm về cách mạng Việt Nam, chiến tranh… hầu như vắng bóng những tác phẩm văn học tiêu biểu hay hiện đại. Vắng đến mức khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có sách xuất bản ở Thái Lan, được NXB Hàn Quốc, Mỹ mua bản quyền thì ngay lập tức trở thành sự kiện lớn, được liệt vào danh sách những sự kiện văn hóa quan trọng nhất trong năm.
Bà Lệ Chi, Giám đốc Công ty TNHH MTV VH-TT Lệ Chi (Chibooks) bày tỏ: “Tôi hay làm việc với các NXB Trung Quốc, thật đáng tiếc khi không một NXB nào của họ biết gì về các tác phẩm văn học của Việt Nam cũng như tên tuổi một nhà văn nào của Việt Nam”.
Vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam trong vấn đề xuất khẩu văn chương vẫn chỉ dừng lại ở việc tổ chức hội nghị, hội thảo. Thậm chí, cho đến nay trong hội vẫn chỉ có Ban văn học nước ngoài chuyên lo chuyện dịch các tác phẩm quốc tế ra tiếng Việt. Tại các kỳ hội chợ sách quốc tế, trong khi những gian hàng sách của các nước xôm tụ với đủ loại sách dịch ra nhiều thứ tiếng thì gian hàng Việt Nam vẫn chỉ có những tác phẩm cũ, giới thiệu đi giới thiệu lại không biết bao nhiêu lần.
Tự thân vận động
Việc Nguyễn Nhật Ánh có tác phẩm xuất bản nước ngoài cho thấy một đặc điểm của việc xuất khẩu văn chương trong nước hiện nay. Tất cả đều là sự chủ động của bản thân tác giả hoặc chính các NXB nước ngoài. Có trường hợp thì do dịch giả nước ngoài yêu thích nên tự xin phép tác giả, tự dịch, tự giới thiệu ở nước mình, có trường hợp là tác giả chủ động tìm người dịch, gửi sang các NXB nước ngoài để giới thiệu.
Vừa qua, Chibooks đã ký hợp đồng với 20 nhà văn trong nước để đưa các tác phẩm của các nhà văn giới thiệu với các đối tác xuất bản nước ngoài. Hầu hết đều là những cây bút trẻ, tương đối nổi tiếng trong làng văn chương Việt hiện nay như Phan Hồn Nhiên, Bùi Anh Tấn, Hồ Anh Thái, Dương Bình Nguyên, Nguyễn Đình Tú… Theo kế hoạch, vào cuối tháng 4 này, 40 tác phẩm của các nhà văn sẽ được Chibooks chào bán thử tại Hội chợ bản quyền sách Kuala Lumpur (Malaysia). Sách sẽ được dịch một vài chương bằng các ngôn ngữ quen thuộc, mở trang web giới thiệu sách bằng nhiều ngôn ngữ… NXB Trẻ cũng vừa lần đầu tiên phát hành bản dịch tiếng Anh cho cuốn truyện thiếu nhi Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần nhằm mục đích có sản phẩm giới thiệu với bạn đọc quốc tế. Việc có đơn vị làm sách, NXB bắt tay vào làm sách xuất khẩu đem lại cho thị trường sách Việt Nam cả vui mừng lẫn lo lắng.
Vui vì với việc các đơn vị tư nhân, NXB trực tiếp nhảy vào lĩnh vực xuất khẩu sách sẽ mang lại luồng gió mới cho đời sống văn học.
Lo lắng cũng không ít, tác phẩm được giới thiệu ra quốc tế hầu như chỉ dựa vào đánh giá cá nhân của lãnh đạo công ty làm sách. Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng, sách muốn xuất khẩu thì đầu tiên phải có chất lượng. Xuất khẩu kiểu tự do rất dễ nảy sinh việc đưa ra thế giới cả những tác phẩm kém chất lượng dẫn đến những đánh giá sai lầm của quốc tế về văn học trong nước.
Đã đến lúc thay vì hội thảo, hội nghị, các hội chuyên ngành nên có những việc làm thiết thực hơn, chủ động hơn trong việc đầu tư tìm kiếm tác phẩm, dịch thuật, giới thiệu… một cách chuyên nghiệp để phục vụ xuất khẩu văn chương hiệu quả.
Nguồn Báo SGGP Online