Theo đó, Thông tư quy định 24 nội dung chi, gồm: Chi xây dựng phương án tổng điều tra thống kê và quy trình điều tra; Chi lập biểu mẫu phiếu điều tra được cơ quan chủ trì duyệt; Chi điều tra thử để hoàn thiện phương án, phương pháp, chỉ tiêu, định mức công, biểu mẫu điều tra; Chi công tác tuyên truyền về tổng điều tra các cấp.
Bên cạnh đó, chi thuê chuyên gia phân tích, đánh giá kết quả tổng điều tra (nếu cần thiết). Số lượng chuyên gia do cơ quan chủ trì tổng điều tra quyết định, nhưng tối đa không quá 10 chuyên gia cho một cuộc tổng điều tra; Chi viết báo cáo kết quả điều tra; Chi công bố kết quả điều tra...
Theo Thông tư 53, một số mức chi điều tra được điều chỉnh tăng. Cụ thể, thuê điều tra viên, tổ trưởng tổ điều tra, (đối với trường hợp phải thuê ngoài), thuê người phiên dịch tiếng dân tộc kiêm dẫn đường, mức tiền công 1 người/ngày tối đa không quá 250% mức lương tối thiểu chung, tính theo lương ngày do Nhà nước quy định cho khu vực quản lý hành chính tại thời điểm tiến hành điều tra. Trong khi quy định hiện hành tại Thông tư 48/2007/TT-BTC là tối đa không quá 200% mức lương tối thiểu chung.
Thuê người dẫn đường không phải phiên dịch, quy định hiện hành là mức tiền công 1 người/ngày tối đa không quá 130% mức lương tối thiểu chung tính theo lương ngày do nhà nước quy định cho khu vực quản lý hành chính sẽ được tăng lên 150%.
Thông tư cũng quy định về mức chi xây dựng phương án tổng điều tra thống kê, biểu mẫu và quy trình tổng điều tra. Cụ thể, xây dựng đề cương tổng quát được duyệt có mức chi tối đa từ 2-3 triệu đồng/đề cương; xây dựng đề cương chi tiết được duyệt có mức chi tối đa từ 4-6 triệu đồng.
Đối với chi viết báo cáo kết quả tổng điều tra, báo cáo phân tích theo chuyên đề, tuỳ theo tính chất, quy mô của cuộc tổng điều tra mức chi từ 7 -10 triệu đồng/báo cáo. Đối với báo cáo tổng hợp kết quả điều tra (bao gồm báo cáo chính và báo cáo tóm tắt), tuỳ theo tính chất, quy mô của cuộc tổng điều tra, mức chi từ 10-15 triệu đồng/báo cáo.
Nguồn www.chinhphu.vn