5 tiêu chuẩn đánh giá trường trung học

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 21/5/2012, sẽ áp dụng 5 tiêu chuẩn đánh giá trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi chung là trường trung học).

Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tiêu chuẩn đánh giá trường trung học là căn cứ để xác định nội dung đánh giá của các hoạt động: kiểm định chất lượng giáo dục trường trung học, công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời đây cũng là căn cứ để công nhận trường trung học đạt tiêu chuẩn trường học thân thiện, học sinh tích cực; thanh tra toàn diện nhà trường.

Cụ thể 5 tiêu chuẩn đánh giá trường trung học bao gồm: 1- Tổ chức và quản lý nhà trường; 2- Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; 3- Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; 4- Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội và 5- Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Mỗi tiêu chuẩn bao gồm nhiều tiêu chí cụ thể.

Rèn luyện kỹ năng sống thông qua học tập và hoạt động tập thể

Trong các tiêu chí đánh giá, Bộ đặc biệt lưu ý việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống thông qua các hoạt động học tập, hoạt động tập thể và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh. Cụ thể, giáo dục các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng ra quyết định, suy xét và giải quyết vấn đề, kỹ năng đặt mục tiêu, kỹ năng ứng phó, kiềm chế, kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm cho học sinh.

Ngoài ra, cần giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thông qua giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông; cách tự phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác; thông qua việc thực hiện các quy định về cách ứng xử có văn hóa, đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau; Giáo dục và tư vấn về sức khoẻ thể chất và tinh thần, giáo dục về giới tính, tình yêu, hôn nhân, gia đình phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

Khuyến khích sự chủ động, sáng tạo và ý thức vươn lên của học sinh

Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa tiêu chí đổi mới phương pháp dạy học nhằm khuyến khích sự chuyên cần, tích cực, chủ động, sáng tạo và ý thức vươn lên, rèn luyện khả năng tự học của học sinh.

Cụ thể đánh giá việc sử dụng hợp lý sách giáo khoa; liên hệ thực tế khi dạy học, dạy học tích hợp; thực hiện cân đối giữa truyền thụ kiến thức với rèn luyện kỹ năng tư duy cho học sinh trong quá trình dạy học; Ứng dụng hợp lý công nghệ thông tin trong dạy học, đổi mới đánh giá và hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá kết quả học tập. Đặc biệt, cần hướng dẫn học sinh học tập tích cực, chủ động, sáng tạo và biết phản biện…

Nguồn www.chinhphu.vn