Phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từ năm 2012 - 2016.

Phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa,
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn - Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, chỉ đạo tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 04-KL/TW.

Cụ thể, tiếp tục triển khai sâu rộng nội dung Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư; gắn việc triển khai thực hiện Kết luận với việc thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; kết hợp việc triển khai toàn diện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại các Bộ, ngành, địa phương.

Xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên nghiệp

Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên nghiệp, có chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị - tư tưởng, am hiểu pháp luật, có kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tốt.

Củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực cho các tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tham mưu giúp lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật....

Đồng thời, huy động các luật sư, luật gia và những người làm công tác pháp luật khác tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nghiên cứu xây dựng chế độ ưu đãi nhằm động viên đội ngũ này tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ cấp xã, nhân dân ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người lao động trong các doanh nghiệp; người khuyết tật; nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người; phạm nhân; học sinh trường giáo dưỡng và người Việt Nam ở nước ngoài.

Thí điểm triển khai nội dung chương trình, môn học sư phạm pháp luật

Một trong những nội dung của chương trình là phải đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, tập trung vào một số lĩnh vực pháp luật quan trọng như an toàn giao thông, đất đai, khiếu nại, tố cáo, tài nguyên và môi trường, bình đẳng giới, an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng, chống tham nhũng...

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, các cơ sở đào tạo khác. Cần xác định đây là môn học quan trọng, bắt buộc trong chương trình đào tạo, giảng dạy đối với tất cả các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Xây dựng và thí điểm triển khai nội dung chương trình, môn học sư phạm pháp luật tại các cơ sở đào tạo bậc đại học chuyên ngành luật để đào tạo nguồn giáo viên dạy môn giáo dục công dân và giảng viên dạy pháp luật trong nhà trường theo hướng chuẩn hóa, có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học pháp luật. 

Nguồn www.chinhphu.vn