Cần tiếp sức cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước

Theo chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính đến 2015, nhu cầu thức ăn chăn nuôi của nước ta là 18 - 20 triệu tấn/năm, đến năm 2020 là khoảng 25 - 26 triệu tấn/năm.

Vì vậy, thị trường thức ăn chăn nuôi đang có rất nhiều tiềm năng, song các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang bị các doanh nghiệp nước ngoài lấn át.

Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hàng năm nước ta phải nhập một lượng lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Cụ thể, năm 2009, để sản xuất được 11,3 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp phải nhập tới 53,6% nguyên liệu thì đến năm 2010, tỷ lệ này đã tăng lên 59,8% và năm 2011 là 60,5%. Trong đó, nguồn nguyên liệu giàu đạm, giàu năng lượng, thức ăn bổ sung và phụ gia nhập khẩu tới 80 - 90%.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp liên doanh chiếm trên dưới 60% thị phần thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Do chiếm thị phần lớn nên nguy cơ “thao túng” về giá trên thị trường của các doanh nghiệp ngoại là rất cao.

Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam hiện có 70 thành viên với 120 nhà máy trên tổng số 230 cơ sở sản xuất trong cả nước.

Mới đây, trong cuối tháng 3, Tập đoàn Cargill, một trong những “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, đã khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 240.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam. Đây là nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 9 của Cargill tại Việt Nam, góp phần đưa tổng công suất sản xuất của tập đoàn này lên con số 1 triệu tấn/năm, chiếm tới 10% thị phần tại Việt Nam. Cargill còn cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mua một số nhà máy tại Việt Nam.

Ngoài Cargill, năm ngoái, Công ty CP (Trung Quốc) đã thông báo sẽ xây thêm 6 nhà máy tại Việt Nam trong thời gian từ nay đến năm 2014.

Điều này làm dấy lên lo ngại doanh nghiệp nội sẽ ngày càng bị “lép vế”.

Để cứu ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cũng là để giảm bớt sự phụ thuộc của nước ngoài, ông Lê Bá Lịch cho rằng cần nhanh chóng xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi.

Đồng thời, cần xem xét lại chủ trương cho doanh nghiệp nước ngoài mở rộng đầu tư mới vào sản xuất kinh doanh thức ăn hỗn hợp, thức ăn đậm đặc tại Việt Nam, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất nguyên liệu có công nghệ cao như lysine, methionine…

Theo ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu (Aprocimex), chiến lược sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020 không phân bổ quỹ đất cho chăn nuôi, ngay cả đất trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và đồng cỏ cũng không có. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét ưu tiên dành quỹ đất cho chăn nuôi, cũng như đầu tư kho tạm trữ nguyên liệu: ngô hạt, khô dầu đậu tương… tại các cảng hàng hóa nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Việc khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi không những giải quyết bài toán kinh tế lâu dài mà việc hệ thống hóa và quản lý được các công ty sản xuất thức thức ăn chăn nuôi tránh được hệ lụy xấu như cảnh người chăn nuôi đang phải gánh chịu hậu quả do thông tin về chất tạo nạc hiện nay.

“Đến nay, Hiệp hội chưa nhận được thông tin nào về các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thành viên sử dụng chất tạo nạc. Nếu hội viên nào sử dụng chất tạo nạc sẽ bị khai trừ ra khỏi Hiệp hội và chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng đóng cửa nhà máy”, ông Lê Bá Lịch chia sẻ.

Nguồn www.chinhphu.vn