(NTO) Đây là cơ hội để các thành viên Hội đồng lý luận âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam cùng các nhạc sĩ có tâm huyết với nền âm nhạc nước nhà trao đổi, đóng góp ý kiến để phát huy vai trò của âm nhạc dân tộc. Trọng tâm là dân ca của các dân tộc ít người ở các vùng miền trong đời sống âm nhạc Việt hiện nay.
Hội thảo âm nhạc khu vực phía Nam năm 2012
Trong ảnh: Nhạc sĩ Trọng Đài, Hội Nhạc sĩ Việt Nam trình bày tham luận
Mở đầu buổi Hội Thảo, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt nam đã có bài tham luận “Tính dân tộc và tính hiện đại trong âm nhạc nước ta hiện nay”. Theo nhạc sĩ, tính dân tộc và tính hiện đại trong Âm nhạc Việt nam là chủ đề rộng, liên quan đến mọi lỉnh vực từ sáng tác, biểu diễn, đào tạo, lý luận… Trong vấn đền này, các nhạc sĩ chính là người đi tiên phong trong việc khai thác, phát triển nền âm nhạc dân tộc như lời của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Nền âm nhạc hoàn chỉnh như một cái cây có gốc, có ngọn, có cành bao gồm nền âm nhạc cổ truyền của các vùng miền và các thành tựu âm nhạc mới của ngành âm nhạc chuyên nghiệp…”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, trong mỗi thời đại các nhạc sĩ đều tìm đến giá trị truyền thống và kết hợp với tinh hoa nhân loại để xây dựng cho mình một ngôn ngữ âm nhạc, một phong cách âm nhạc mang hơi thở dân tộc. Tuy nhiên, ngày nay khi âm nhạc giải trí tiếp thu mạnh mẽ những yếu tố như tiết tấu, hòa thanh, nguồn âm điện tử thì âm nhạc dân tộc cổ truyền đứng trước sức ép vô cùng lớn, nên không có điều kiện thể hiện hết những giá trị dân tộc và hiện đại trong thể loại của mình, đồng thời cũng mất đi một số lượng đáng kể khán thính giả ham mê thể loại này. Việc tìm hiểu sâu về âm nhạc truyền thống dân tộc, dân ca dân nhạc các dân tộc Việt Nam, lịch sử phát triển âm nhạc dân tộc và lịch sử nền âm nhạc mới Việt Nam sẽ là nền tảng để thế hệ nhạc sĩ trẻ sáng tác những tác phẩm mang tính dân tộc và hơi thở của thời đại.
Theo nhạc sĩ Phan Quốc Anh, Chi hội trưởng Chi hội nhạc sĩ Ninh Thuận, việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc trong sáng tác là vấn đề mà các nhạc sĩ cần quan tâm. Tuy nhiên, khi sáng tác một tác phẩm về một dân tộc nào đó thì cần phải nghiên cứu thật kĩ từ văn hóa, tín ngưỡng cho đến âm hưởng, giai điệu của dân tộc đó. Có nhiều nhạc sĩ đã có những tác phẩm về dân tộc rất hay. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người sáng tác ca khúc về một dân tộc nào đó nhưng lại vay mượn âm hưởng của một nơi khác. Điều đó sẽ làm mất đi sự tinh túy của hồn dân tộc trong mỗi sáng tác.
Nhạc sĩ Minh Châu (Quảng Ngãi) đưa đến hội thảo niềm trăn trở làm thế nào để những nghiên cứu về âm nhạc dân gian đi vào thực tế đời sống. Bởi hiện có rất nhiều đề tài nghiên cứu của các nhạc sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ ở địa phương sau khi được nghiệm thu đề tài thì mang cất vào kho, chưa được ứng dụng vào thực tế, trong khi công sức cũng như kinh phí đầu tư cho một công trình nghiên cứu không phải nhỏ.
Các nhạc sĩ cũng có nhiều ý kiến tham luận xung quanh các vấn đề: sự kết hợp hài hòa giữa dân tộc và hiện đại trong điệu trống Ghinăng của đồng bào Chăm; bảo tồn đồng dao trong tâm thức Việt; âm hưởng nhạc điệu dân gian qua ngữ điệu giọng nói; tính dân tộc trong âm nhạc được nhìn nhận như thế nào… Vì thế mà tại hội thảo lần này, các nhạc sĩ đều nhất trí với ý kiến cho rằng: Cần đào tạo một đội ngũ sáng tác cho tương lai, đó là các nhạc sĩ được trang bị kiến thức âm nhạc đầy đủ, am hiểu sâu sắc về nền âm nhạc dân tộc. Nắm được kỷ thuật sáng tác hiện đại, tiếp cận được với nền âm nhạc thế giới… Và đó sẽ là nền tảng để thế hệ các nhạc sĩ trẻ sáng tác được những sáng tác mang tính dân tộc hòa quyện với hơi thở của thời đại.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, để đưa kho tàng văn hóa dân tộc vào các sáng tác một cách hữu hiệu, không lý thuyết, đòi hỏi người nhạc sĩ phải có sự tìm tòi, sáng tạo, tâm huyết, khai thác được cội nguồn của dân tộc một cách tinh túy, không hề có kì thị. Nước ta hiện có hơn 100 nhạc sĩ chuyên nghiệp, thế nhưng chúng ta vẫn đứng trước nguy cơ thiếu những bài hát hay, có sức lan tỏa và lưu lại với thời gian. Từ đó nhạc sĩ khẳng định một trong những chìa khóa chính là chúng ta trở lại với mạch nguồn của dân tộc. Chủ đề trao đổi trong buổi hội thảo sẽ là đề tài lớn theo suốt hành trình âm nhạc và thời gian tới các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu, phê bình sẽ tiếp tục tranh luận để tìm ra giải pháp về sáng tác, lý luận, biểu diễn và quảng bá âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ mới, phấn đấu có những tác phẩm âm nhạc xứng với kỳ vọng của công chúng.
Xuân Bính