(NTO) 1. Hai mươi năm! Mới đó mà đã hai mươi năm. Cứ ngỡ chừng như một cái chớp mắt. Thời gian đi sao mà nhanh thế không biết. Ngày ấy có ngồi ngẫm nghĩ đến mấy, ước mơ đến mấy mình cũng không dám tin rằng sẽ có được như ngày hôm nay. Ngày ấy, có bao giờ mình dám mơ một buổi tối được đi loanh quanh trong cái thị xã nhỏ bé ven biển của mình đâu. Cách trở đò giang chỉ là một chuyện, chuyện khác là Tp. Phan Rang - bấy giờ nó buồn hiu. Điện thì chập chờn lúc có, lúc không. Đó là nói ở thị xã, chứ ở cái làng quê ven sông Dinh của mình thì luôn sống với những ngọn đèn dầu. Vì thế mà cho dù chỉ là ước mơ được một lần đi dạo đêm ở thị xã, la cà ở những quán cà phê lúc đó cũng chỉ là ước mơ!
Vườn trầu Thuận Hòa. Ảnh: Văn Miên
Ngày đó, làng quê nhỏ bé của tôi nằm ven bờ sông Dinh sao mà nghèo thế, thiếu thốn mọi bề. Nhà cửa thì xập xệ. Để đưa được một gánh hàng nông sản từ quê ra phố thì người dân quê tôi phải dậy từ lúc tờ mờ sáng. Gánh bộ xuống tận bến đò Phước Khánh để đi cho kịp chuyến đò sớm mới may ra kịp chợ. Mấy cô cậu học sinh cũng vậy, để kịp buổi học sớm, các em nhiều khi phải thức dậy từ lúc 4, 5 giờ sáng mới kịp buổi học. Ngày ấy, nhà nào có con đi học bên tỉnh mà sắm được một chiếc xe đạp là cũng oai lắm rồi.
Ngày đó, cái làng quê nhỏ bé của tôi vốn nổi tiếng là “làng trầu cau”. Làng quê tôi bén duyên được nhiều với những nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng nhờ vào trầu cau. Và những cô thôn nữ xóm trầu quê tôi vốn hay lam, hay làm, từ lâu cũng đã là mơ ước của nhiều chàng trai bên thị xã. Thế nhưng chỉ có một điều cách trở đò giang nên chuyện tình của họ nhiều khi cũng gặp phải nhiều trắc trở. Ngày đó, từ cái làng trầu của tôi muốn đi về Phan Rang chỉ có hai cách. Một là đi ngược lên Tháp Chàm rồi mới xuôi về Phan Rang. Hai là phải xuống tận Phước Khánh lên đò qua thị xã. Nói nghe thì dễ thế nhưng đường đi thì lắm nhiêu khê, nhất là vào mùa mưa bão. Vì thế mà khi nghe tôi quyết định về định cư hẳn ở cái làng trầu nhỏ bé nằm ven bờ sông Dinh, bạn bè ở Phan Thiết ai cũng bảo là tôi “rồ”.
Cầu Đạo Long 2 nối liền đôi bờ sông Dinh. Ảnh: Văn Miên
2. Bây giờ, chỉ cần chưa đến 15 phút chạy xe máy là chúng ta có mặt ở thành phố, có thể ung dung ngồi nhâm nhi, thưởng thức ly cà phê một cách ngon lành. Nhất là từ ngày có cầu Đạo Long 2 nối đôi bờ Nam- Bắc sông Dinh. Bên cạnh một tuyến đường mới bề thế chạy ngang những cánh đồng nho, nối liền làng quê với phố thị khiến cho việc vận chuyển hàng hóa trở nên dễ dàng hơn, điều đó đã khiến cho bộ mặt làng trầu quê tôi ngày càng khởi sắc. Những ngôi nhà mới mọc lên, khang trang hơn mà tiện nghi trong nhà thì cũng chẳng kém cạnh gì ở thành phố. Và khi những con đường liên thôn, liên xã đều được bê-tông hóa khiến cho việc đi lại giữa những vùng miền trở nên dễ dàng hơn thì người ta đua nhau đưa về làng những tiện nghi vật chất mà ngày xưa hiếm thấy. Internet bây giờ cũng đã về đến tận làng. Ngày xưa, nhà nào có được chiếc ti-vi đen trắng sử dụng bằng nguồn điện của bình ắc-quy là ngon lành lắm rồi. Còn bây giờ, khi mà điện lưới quốc gia vào tận từng nhà thì chuyện ti-vi chỉ còn là chuyện nhỏ. Ngày ấy, nhà nào mua được chiếc xe máy thì quả đúng là chuyện lớn của làng. Còn bây giờ, chiếc xe máy được người dân làng trầu của tôi xem đó như chỉ là một phương tiện vận chuyển, giúp cho con người đưa được những sản vật của mình đến với thị trường một cách nhanh nhất, giải phóng người dân quê tôi thoát khỏi sự gánh gồng. Chiếc xe máy bây giờ không còn là biểu tượng của sự giàu sang như ngày xưa nữa.
Hai mươi năm. Một chặng đường không phải là dài nhưng cũng không thể gọi là ngắn. Và với chừng ấy thời gian, với những đổi thay mà người dân quê tôi đang thụ hưởng thì đó quả là một kỳ tích. Một sự đổi thay mà những người con xa quê khi trở lại quê nhà không khỏi ngỡ ngàng trước những điều kỳ diệu. Và bây giờ, hàng ngày chạy xe máy thong dong qua thành phố, ngang qua chiếc cầu vừa được nâng cấp, mở rộng, lòng không khỏi rộn ràng bởi những niềm vui đan xen, vì những đổi thay diệu kỳ ở vùng đất mà mình đã trót phải lòng nó và cảm thấy rằng quyết định về định cư hẳn ở đây là đúng đắn.
Hoàng Công Tâm