Ngày 24/3, Bộ Y tế, Chương trình chống lao quốc gia đã tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai phòng chống lao toàn quốc giai đoạn 2007-2011, và thảo luận phương hướng, giải pháp hoạt động giai đoạn tiếp theo nhân Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3).
Ảnh: Chinhphu.vn
Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai các hoạt động phòng chống lao theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Bài lao, Bệnh phổi quốc tế từ năm 1986 và được Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm.
Gánh nặng lớn đối với cộng đồng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, trên toàn cầu, bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 2 triệu người tử vong mỗi năm. Tình hình lao kháng thuốc đang xảy ra ở hầu hết các quốc gia.
Tại Việt Nam, sau 25 xây dựng Chương trình phòng chống lao quốc gia, chúng ta đã tổ chức được mạng lưới phòng chống lao ở các tuyến, công tác phát hiện, quản lý điều trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, truyền thông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Giai đoạn 2007-2011 cũng là giai đoạn đánh dấu sự mở rộng quốc tế, các đối tác trong nước và công tác chống lao và các kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào công tác phòng chống lao.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2011, nước ta hiện xếp thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu, ước tính có khoảng 180.000 người mắc lao và 30.000 chết vì lao mỗi năm. Như vậy, trung bình mỗi ngày có khoảng 62 người chết vì lao, gấp hơn 2 lần chết do tai nạn giao thông. Các số liệu dịch tễ cũng cho thấy, hàng năm mới chỉ phát hiện 60% số bệnh nhân lao hiện có.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan rà soát lại Chiến lược phòng chống lao
đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. - Ảnh: Chinhphu.vn
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, phòng chống lao là nhiệm vụ lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới và không thể giải quyết ngày một ngày hai.
Đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được trong 5 năm qua của Chương trình phòng chống lao quốc gia, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc Chương trình đã triển khai điều tra hiện trạng lao toàn quốc, làm cơ sở hoạch định chính sách và hợp tác quốc tế.
Đồng thời, đã hình thành hệ thống phát hiện và điều trị lao ở tất cả các cấp, phủ tất cả các xã là thành tựu rất quan trọng, hình thành các cơ sở xét nghiệm ở cấp vùng; huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ người mắc lao trên 100.000 dân không ngừng giảm trong 5 năm qua.
Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta đã triển khai phòng chống lao từ những năm 1956-1957 đến nay, nhưng do điều kiện của chiến tranh và xuất phát điểm kinh tế-xã hội, Việt Nam đứng vẫn nằm trong danh sách 22 nước có gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu.
“Đây là gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội, khi có người bị bệnh lao thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Vì vậy, yêu cầu có một chương trình mới phát huy kết quả cũ, đồng thời có hiệu quả hơn trong bối cảnh tài trợ quốc tế giảm là hết sức cấp bách”, Phó Thủ tướng nói.
Đặc biệt lưu ý công tác truyền thông
Đề cập đến những nhiệm vụ cấp bách cần phải làm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, trong nguồn kinh phí hiện có, phải dành ưu tiên hơn cho phòng chống lao.
Đồng thời, sử dụng kinh phí có hiệu quả hơn và tập trung cho những vùng có tỷ lệ bị lao nhiều nhất cả nước, vì thống kê sơ bộ cho thấy 60% bệnh nhân lao cả nước tập trung tại 27 tỉnh. Ngoài ra, chính quyền các địa phương kinh tế phát triển nhanh có thể chủ động tăng kinh phí cho phòng chống lao.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương cho
các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống lao. - Ảnh: Chinhphu.vn
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến công tác truyền thông để người dân và toàn xã hội nhận thức đúng về thực trạng, căn nguyên và mức độ nguy hiểm của bệnh lao, từ đó mỗi người tự ý thức phòng chống căn bệnh này và huy động được tốt hơn nguồn lực xã hội tham gia vào phòng chống lao.
Hiện nay Việt Nam đã có hệ thống thông tin điện tử về quản lý lao toàn quốc, nếu các cơ sở khám bệnh, đặc biệt là tư nhân thông báo danh sách đầy đủ bệnh nhân lao thì chi phí sẽ không tăng như thời gian qua.
Mặt khác, cần chọn lọc, ứng dụng công nghệ cao làm cho việc chữa trị hiệu quả hơn, với tổng chi phí thấp hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu, từ nay đến tháng 6/2012, Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan rà soát lại Chiến lược phòng chống lao lao đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Gửi lời cám ơn tới Chính phủ Hà Lan và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam rất tích cực trong công tác phòng chống lao, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần dựa nhiều hơn vào nội lực trong công cuộc phòng chống lao, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để các nước hỗ trợ công nghệ mới, chuyển giao thiết bị, phương tiện, thuốc men và trợ giúp kỹ thuật.
Nhân dịp này, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Vì một Việt Nam không còn bệnh lao” với hơn 2 triệu con tem.
Nguồn www.chinhphu.vn