Điện hạt nhân và cơ hội phát triển nghề nghiệp

(NTO) Chiều 24-3, tại Long Thuận Resort, Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo với chủ đề: "Dự án ĐHN Ninh Thuận và cơ hội phát triển nghề nghiệp". Tham dự có các đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và trên 170 đại biểu là phụ huynh, học sinh và thầy, cô giáo của 10 trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chào mừng các đại biểu về tham dự, đồng thời mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cung cấp đầy đủ các thông tin, thành tựu liên quan đến các vấn đề công nghệ hạt nhân, nhằm giúp các em học sinh hiểu hơn về lĩnh vực này, qua đó có cách nhìn toàn diện trong việc định hướng nghề nghiệp.

Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu và các em học sinh được nghe lãnh đạo Ban quản lý Dự án ĐHN trình bày "Chương trình phát triển ĐHN quốc gia và tiến độ thực hiện Dự án ĐHN Ninh Thuận"; Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trình bày "Kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử và ĐHN; ứng dụng của hạt nhân trong đời sống kinh tế, xã hội"; Đại diện EVN trình bày "Nhu cầu nhân lực cho Dự án ĐHN Ninh Thuận".

Các đại biểu tham dự  Hội thảo.

Hội thảo cũng đã dành thời gian để các thầy, cô giáo, các em học sinh trao đổi, thảo luận và nghe Ban quản lý Dự án, các nhà quản lý trong lĩnh vực năng lượng giải đáp các vấn đề liên quan đến chính sách, cơ hội, chương trình đào tạo đại học và sau đại học, cũng như các chính sách thu hút lao động làm việc cho Dự án khi nhà máy đi vào hoạt động. Theo đó, để vận hành hai nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 trong tương lai, dự kiến nhu cầu nhân viên cần thiết lên đến 2.200 người. Trong đó, số người có trình độ đại học, sau đại học là 946 người; cao đẳng, trung cấp 858 và lao động phổ thông là 396 người, tập trung chủ yếu vào các ngành nghề: Kỹ thuật hạt nhân, thí nghiệm và điều khiển điện tử, an toàn bức xạ, nhiệt, công nghệ thông tin, kỹ thuật điện...

Đại diện Tập đoàn EVN, Ban Quản lý Dự án và ngành Giáo dục và Đào tạo
trả lời câu hỏi của các đại biểu. 

Đại diện học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
đặt câu hỏi với các nhà quản lý tại hội thảo.

Ông Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngoài 99 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Năng lượng ở Maxcơva (Nga), hiện nay các cơ sở đào tạo trong nước như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Khoa học tự nhiên Tp.Hồ Chí Minh và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng đang phối hợp với các nước trên thế giới và bộ, ngành liên quan lên kế hoạch tuyển sinh ngành Năng lượng nguyên tử cho năm học 2012-2013 theo chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế và đề ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút sinh viên vào học các ngành liên quan đến năng lượng nguyên tử. Riêng trường Đại học Đà Lạt, năm học 2012-2013, các sinh viên khi đăng ký thi đậu vào ngành Năng lượng nguyên tử của trường sẽ được miễn học phí, được cấp phát học bổng, đồng thời được ưu tiên lưu trú tại ký túc xá của trường.