Sẽ tổ chức Kỳ họp Quốc hội trực tuyến?

Chiều 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và cho ý kiến về Đề án cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Vấn đề nên hay không nên tổ chức thêm một kỳ họp thứ 3 trong năm (ngoài hai kỳ họp thường kỳ hiện nay), đã được nhiều ủy viên UBTVQH thảo luận sôi nổi.

 Đề án cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đưa ra hai phương án tổ chức kỳ họp Quốc hội, trong đó phương án 1 là rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp song vẫn hoàn thành nội dung chương trình và đảm bảo chất lượng kỳ họp bằng cách chuyển một phần công việc tại kỳ họp sang hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp Quốc hội của đại biểu Quốc hội (trước hết là ĐBQH chuyên trách).

Phương án 2, được nhiều ý kiến trong UBTVQH quan tâm, là hàng năm tổ chức 3 kỳ họp Quốc hội (vào tháng 3, tháng 7 và tháng 11), song với thời lượng mỗi kỳ ngắn hơn hiện nay. Trong đó kỳ họp đầu tiên trong năm tập trung vào công tác xây dựng pháp luật và một số vấn đề kinh tế xã hội cấp bách. Hai kỳ họp còn lại dành cho việc thảo luận, quyết định các vấn đề về kinh tế xã hội và một số nội dung khác theo thông lệ.

Hoan nghênh việc dành thời gian thích đáng cho công tác xây dựng pháp luật, đồng thời cho rằng việc tổ chức 3 kỳ họp ngắn phù hợp với điều kiện thực tế của Quốc hội nước ta với cơ cấu ĐBQH kiêm nhiệm chiếm đa số, song Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu còn băn khoăn: kinh phí tổ chức thêm một kỳ họp Quốc hội chắc chắn sẽ “đội” lên, dù tổng thời lượng có thể ngắn đi hoặc không thay đổi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý, Quốc hội có thể tăng cường họp trực tuyến để cho ý kiến vào các dự án luật thay vì tổ chức họp tập trung. “Hình thức này không những tiết kiệm được chi phí mà còn dễ dàng mở rộng để các chuyên gia cũng có thể tham dự, đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng văn bản pháp luật. Chỉ khi quyết định những vấn đề quan trọng hoặc biểu quyết thông qua luật mới bắt buộc phải họp trực tiếp, tập trung”, ông nói.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng hoàn toàn có cơ sở pháp lý để áp dụng hình thức này.

Một nội dung khác tuy đã được quy định trong Hiến pháp nhưng rất hiếm khi được thực hiện trên thực tế là việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Tới đây dự kiến việc này sẽ được triển khai quyết liệt hơn. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số ĐBQH hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức. UBTVQH sẽ xây dựng quy chế quy định cụ thể quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Các chức danh được bỏ phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Nguồn Báo SGGP Online