Những người góp phần làm nên chiến thắng

Ông Lê Minh Nghiêm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh

 Tôi là người con của vùng quê Thanh Hóa, nhưng đã chọn Ninh Thuận làm quê hương thứ hai của mình với 45 năm gắn bó. Nhập ngũ năm 1959 khi vừa tròn 20 tuổi, đến năm 1967, tôi theo đơn vị thuộc Sư đoàn 320A hành quân vào Nam. Sau gần 8 tháng “xẻ dọc” Trường Sơn, tháng 7-1967 tôi cùng đơn vị tập kết ở Bác Ái, bắt đầu những trận đấu ác liệt. Đến cuối tháng 10 – 1968, tôi được lệnh chuyển sang Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nhận nhiệm vụ trợ lý công tác tổ chức kiêm chính sách.

Với tôi, những ngày tháng Tư, năm 1975 là những ngày lịch sử không bao giờ quên. Sáng 14-4-1975, nhiều đơn vị được lệnh hành quân về đồng bằng. Trong hai ngày 14 và 15-4-1975, các đơn vị vũ trang bám sát vùng ven thị xã, theo dõi, đánh tiêu diệt địch, tạo thế trận cùng quân chủ lực giải phóng tỉnh Ninh Thuận theo kế hoạch.

Ngày 16-4, quân ta tiến sát vào Ninh Thuận từ hai phía: Phía Bắc tấn công từ Nha Trang vào và phía Tây từ Đà Lạt đánh xuống. Đến 10 giờ trưa, Sân bay Thành Sơn được giải phóng với sự hợp sức của lực lượng địa phương và quân chủ lực (Quân đoàn II). Đến 22 giờ đêm, huyện Ninh Phước, địa phương cuối cùng được giải phóng. Dù mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn không thể quên được không khí ngày 16-4 năm đó. Nhân dân, già, trẻ, gái trai… tất cả đều xuống đường hân hoan niềm vui ngày giải phóng, họ ôm chầm lấy nhau, hò hét vui sướng…Bộ đội giải phóng về, nhân dân phấn khởi, hò reo vẫy cờ chào đón. Những chiến sỹ quê hương Ninh Thuận gặp lại gia đình, người thân, nước mắt, nụ cười hòa lẫn trong niềm vui khôn xiết. Bộ đội chúng tôi đi đến đâu, nhân dân theo đến đó. Hòa chung với niềm vui quê hương giải phóng, những người lính miền Bắc như tôi, sau gần 10 năm chiến đấu xa quê, niềm vui như càng nhân lên gấp bội bởi không gì vui sướng hơn là mảnh đất mình gắn bó, đổ xương máu để giành giật từng tấc đất với kẻ thù nay đã được giải phóng. Và hạnh phúc hơn nữa khi chúng tôi được nhân dân đón tiếp không khác gì những người con thân yêu được trở về nhà. Những bữa cơm tuy đạm bạc nhưng ấm áp tình quân-dân được các bà, các chị, các em gái chuẩn bị cho chúng tôi có lẽ là những bữa cơm ngon nhất, tuyệt vời nhất mà đến bây giờ mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy hạnh phúc...

Ông Phạm Tất Thắng, nguyên Chiến sĩ Biệt động, hiện nghỉ hưu tại phường Phủ Hà

 Đã 37 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng, nhưng trong ký ức của mình, tôi không bao giờ quên được những ngày tháng Tư lịch sử ấy. Là chiến sĩ Biệt động thị xã, thuộc Đại đội Đặc công 314 hoạt động tại núi Cà Đú, trước đó chúng tôi đã được trên cho biết dự kiến sẽ giải phóng Ninh Thuận vào ngày 8-4, nhưng do địch thiết lập “lá chắn thép’ ở Du Long nên không thực hiện được. Rạng sáng ngày 16-4, trong tiếng bom đạn đinh tai của quân địch thả xuống nhằm phá hủy các cầu trên đường 1A dẫn vào thị xã, từ đỉnh núi Cà Đú nhìn qua ống nhòm, tôi thấy rõ đoàn quân chủ lực của ta đang tiến vào, bất chấp sự oanh kích của máy bay địch. Tại ngã ba Cà Đú, tôi và đồng đội cùng nhập vào và dẫn đường cho đoàn quân tiến vào trung tâm thị xã. Ngay trong buổi sáng, tôi được lệnh tham gia cánh quân tiếp quản Trại Nguyễn Hoàng ở Tháp Chàm và chiều hôm đó lại nhận lệnh cùng 1 tiểu đội xuống chốt ở ngã ba Tấn Tài.

Không thể tả hết niềm vui của ngày tiếp quản thị xã, lần đầu tiên chúng tôi tự do đi lại trên đường phố trong trạng thái cứ ngỡ như mơ. 37 năm qua với biết bao thay đổi, Ninh Thuận nói chung và Phan Rang-Tháp Chàm đã mang bộ mặt mới, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Những nơi như ngã ba Cà Đú, bây giờ là khu dân cư đông đúc, có khu công nghiệp, có Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, đường sá đang mở rộng 4 làn xe. Trong niềm hân hoan chung, tôi chạnh nhớ về những hang đá Cà Đú, nơi đã in dấu bao kỷ niệm của một thời. Có dịp lên thăm lại, tôi không còn tìm thấy những tảng đá phẳng ngày xưa chúng tôi hay dùng làm ghế ngồi. Tôi mong sao tỉnh quan tâm cho tôn tạo Di tích núi Cà Đú để những thế hệ sau có dịp về nguồn, ngưỡng vọng nơi cha ông mình từng lấy làm căn cứ hoạt động chống Pháp và chống Mỹ.

Đại tá Tô Ngọc Đức, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, nguyên chiến sĩ lực lượng an ninh

 Trong những ngày Tháng Tư lịch sử này, trước khi hồi tưởng lại diễn biến ngày 16-4-1975, tôi không thể quên được hình ảnh đồng đội hy sinh trong ngày 8-4. Trước đó, chuẩn bị cho việc tiếp quản khi quân địch bỏ chạy, lực lượng vũ trang tỉnh đã tập kết tại Xóm Dừa, đánh vào Sân bay Thành Sơn nhưng bị phản công dữ dội nên một bộ phận tạm thời rút về núi Cà Đú. Trong một trận đánh gần Nhà thờ Phước Đức, vì bất ngờ trước 2 mũi tấn công của địch, nhiều đồng đội đã hy sinh ngay trước mắt tôi. 6 giờ sáng ngày 16-4, là chiến sĩ lực lượng an ninh thị xã Phan Rang nên tôi có mặt trong đoàn quân chủ lực dẫn đường tiến vào thị xã và tham gia cánh quân tiếp quản các cơ quan của Ngụy quyền ở Tháp Chàm như Chi khu quân sự, Chi cảnh sát, Trụ sở hành chánh quận Bửu Sơn…

Đến nay, trong tôi vẫn không quên được cảm giác vui mừng, sung sướng đến tột cùng trong ngày đại thắng. Và hôm nay, nhìn lại chặng đường 37 năm qua, mình càng phấn khởi, tự hào về quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển lớn mạnh. Từ xóm Dừa cho đến nhiều địa điểm chiến đấu trước đây trên địa bàn thị xã giờ đã hoàn toàn đổi thay. Có dịp đi nhiều vùng trong tỉnh, tôi bắt gặp rõ hình ảnh đổi mới trong đời sống thành thị lẫn nông thôn. Tuy nhiên, cứ mỗi năm vào độ tháng Tư về, tôi lại bồi hồi nhớ đến những đồng đội hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, không được may mắn như tôi nhìn thấy ngày quê hương, đất nước giải phóng. Tôi và nhiều đồng đội có tâm nguyện xây dựng Bia tưởng niệm ngày 8-4 tại Xóm Dừa, lấy ngày đó để tưởng niệm chung các đồng đội đã chiến đấu, hy sinh trên địa bàn thị xã trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước. Mong tỉnh lưu tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành tâm niệm nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống anh dũng của thế hệ cha, ông.