Diện mạo mới trên chiến khu anh hùng

Ai từng đến Bác Ái chừng hơn 10 năm trước hẳn chưa quên được hình ảnh những con đường đất, quanh co đồi dốc. Những ngôi nhà tranh tre, đồi trọc xác xơ, cỏ cháy… Cuộc sống của nhân dân khó khăn, thiếu thốn trăm bề… Vậy mà, trở lại hôm nay, Bác Ái đã đổi thay đến ngỡ ngàng.

 Đường về Bác Ái

(NTO) Từ ngã 3 Ninh Bình, chúng tôi ngược theo quốc lộ 27 B về trung tâm huyện Bác Ái. Con đường tráng nhựa êm ả, rộng 8m như đưa chúng tôi về một vùng ngoại ô của đồng bằng. Cảm giác cực nhọc về một huyện miền núi xa xôi, trắc trở của những năm trước đã lùi vào quá khứ. Dọc 2 bên đường, những ngôi nhà xây kiên cố được mọc lên thay thế cho những ngôi nhà sàn tạm bợ. Màu xanh của lúa nước, màu vàng của bắp lai, những cánh rừng đã xanh trở lại. Trên suốt đường đi, người xe khá tấp nập… Vùng đất đồi núi hoang hóa cỏ cháy, một thời bom đạn đã hồi sinh.

Trung tâm huyện lỵ Bác Ái được đầu tư xây dựng hiện đại. Ảnh: Sơn Ngọc

Hệ thống điện, đường phát triển tạo diện mạo mới các khu dân cư huyện Bác Ái

Hệ thống giao thông được Nhà nước đầu tư xây dựng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại
của nhân dân huyện Bác Ái

Minh chứng về sự đổi thay, phát triển của địa phương, đồng chí Chamaléa Tiếp, nguyên Bí thư Huyện ủy Bác Ái tâm sự: Một trong những cuộc “cách mạng” cam go nhất ở nơi đây là cuộc cách mạng tư duy. Làm sao để đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái bỏ được tập quán du canh du cư, nay đây mai đó, trồng trọt sống nhờ vào nước trời. Bây giờ thì khác, người dân Bác Ái không chỉ có cái ăn, cái mặc, mà còn có nhà cửa, ruộng vườn ổn định. Các mô hình thâm canh cây lúa nước, bắp lai của người dân đạt hiệu quả cao. Vùng đất hoang hóa đã được cải tạo nhờ hệ thống kênh mương nội đồng cấp 2, cấp 3 của hồ Sông Sắt. Hệ thống cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm… được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện. Ông Pi-năng Trí, ở thôn Trà Co, xã Phước Tiến bày tỏ niềm vui: Trước đây đời sống còn khó khăn lắm, bà con chỉ biết làm theo kiểu “chọc lỗ, tra hạt”, nay nhờ có hồ Sông Sắt nên bà con đã khai hoang phục hóa, tăng gia sản xuất, chăn nuôi, đã có đủ cái ăn, nhiều người đã giàu có.

 

Công trình thủy lợi hồ Sông Sắt có sức chứa trên 60 triệu mét khối nước
phục vụ phát triển nông nghiệp Bác Ái. Ảnh: Văn Miên
 
 
Hệ thống kênh mương xây dựng đồng bộ phát huy hiệu quả tưới công trình thủy lợi Sông Sắt
đưa nước về đồng ruộng.

 Đồng chí Kiều Như Bổn, Bí thư Huyện ủy Bác Ái cho biết: Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư và những cơ chế chính sách phù hợp, Bác Ái đang dần có sự đổi thay về mọi mặt. Đặc biệt là đời sống dân cư ở vùng sâu, vùng xa cũng đã được quan tâm để rút ngắn dần khoảng cách phát triển trong huyện.

Bác Ái hôm nay

Cùng với sự phát triển của tỉnh, sau 11 năm tái lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bác Ái đã đoàn kết, năng động, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất; phát huy hiệu quả những chương trình đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương, quyết tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gặt hái được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực KT-XH.

Phát huy hiệu quả tưới công trình thủy lợi Sông Sắt, nông dân xã Phước Chính
thâm canh lúa nước đạt năng suất trên 50 tạ/ha

Nông dân xã Phước Bình chuyển dịch bắp địa phương sang trồng bắp lai
thu nhập cao bảo đảm cuộc sống no ấm.
 
 
Cây cao su thích nghi trên vùng đất Bác Ái mở ra triển vọng làm giàu mới cho nông dân địa phương.

Từ năm 2000 đến nay, tổng các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện đạt trên 7.000 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư các hạng mục công trình: giao thông, thuỷ lợi, trường học, trụ sở làm việc, các hồ chứa nước phục vụ sản xuất; đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người dân như khai hoang, phục hoá đất sản xuất, hệ thống thuỷ lợi hồ Sông Sắt, các công trình phục vụ nước sinh hoạt… đã tác động trực tiếp đến đời sống người dân, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững. Hệ thống giao thông từ huyện đến trung tâm các xã được thông suốt, nhất là các tuyến quốc lộ 27B Ninh Bình – Khánh Hoà, Phước Thành - Phước Chiến, Trung tâm huyện - Phước Trung, Ninh Bình- Phước Bình góp phần giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân và giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các địa phương. Hệ thống điện lưới quốc gia đã phủ khắp 100% thôn, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 70%, tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt mức 13,5%.

 
Nhà văn hóa cộng đồng được Nhà nước đầu tư xây dựng ở các xã
đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa của nhân dân

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến vượt bậc, 80 % hộ có ti-vi, toàn huyện có hơn 4.000 xe máy các loại. Sản xuất từ chỗ tự cung, tự cấp, đến nay nhân dân đã theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để thâm canh, tăng vụ. Chú trọng phát triển diện tích trồng lúa nước, bắp lai, tập trung nhiều mô hình trình diễn, hướng dẫn kỹ thuật. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện từ 5.000 ha (năm 2001) đã tăng lên gần 10.031 ha (năm 2011), lương thực bình quân đạt 350 kg/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5 - 7 %/năm…

 Năm học 2008- 2009, Trường THPT Bác Ái đi vào hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho địa phương.

Hệ thống trường lớp được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, không còn tình trạng học ca ba, tỷ lệ học sinh huy động ra lớp hàng năm đạt trên 95%, tăng 4,5 lần so với năm 2001; 100% xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS. Hiện nay huyện có trên 100 sinh viên là con em đồng bào dân tộc Raglai vào học tại các trường đại học, cao đẳng, THCN, nhiều em đã ra trường về công tác tại địa phương.

 

Mạng lưới y tế phát triển từ huyện đến cơ sở chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.

Huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành Y tế để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đến nay, 9/9 xã đều có trạm y tế, hằng năm 100% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, 100% đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh. Chỉ riêng trong giai đoạn 2009-2011, huyện Bác Ái đã xây dựng gần 1.000 nhà ở cho hộ nghèo theo Chương trình 167, 134, 135… cơ bản xoá tình trạng nhà ở tạm bợ, góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Có thể thấy, chính sự đầu tư đúng đắn của Trung ương, của tỉnh và bằng nội lực của chính mình, Bác Ái đang dần tạo ra bước chuyển biến mới về phát triển KT- XH. Với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ huyện, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, chắc chắn Bác Ái sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công trên con đường đổi mới, xây dựng quê hương anh hùng ngày càng giàu đẹp.