Thu hút công nghệ cao - Làm sao chắc thắng?

Mục tiêu thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với quy mô lớn, công nghệ cao, kỹ năng quản trị doanh nghiệp tiên tiến không phải là không thể đạt được. Chỉ có điều, sự minh bạch và nhất quán trong chính sách mới là “thỏi nam châm” quan trọng hàng đầu.

Có cơ hội

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin (CNTT), công nghiệp phụ trợ… tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, hiện có nhiều công ty CNTT và phát triển phần mềm nước ngoài (chủ yếu từ Nhật Bản và Hàn Quốc) có ý định mở rộng quy mô hoặc tìm kiếm đối tác đầu tư là các doanh nghiệp phần mềm tại Việt Nam. Cách thức mà các công ty CNTT quan tâm chủ yếu là mua bán - sáp nhập (M&A) với những công ty trong nước đang hoạt động...

 

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

 

Nhiều tập đoàn công nghệ như IBM (Hoa Kỳ), Cap Gemini và Accenture (Pháp) cũng đang tìm cơ hội đầu tư các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Những động thái này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nỗ lực của Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) với mục tiêu thu hút 10 – 12 dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 160 triệu USD.

Gần đây, tại buổi gặp lãnh đạo UBND TPHCM để tìm hiểu về tình hình kinh tế, lao động của thành phố, ông Shigeo Maruo, thành viên HĐQT, Tổng quản lý bộ phận y tế của Tập đoàn Nikkiso (Nhật Bản) cho biết, Công ty này cũng đang tính đến việc mở rộng sản xuất thiết bị y tế cũng như tăng lực lượng lao động tại TPHCM nếu hội đủ các điều kiện về nguồn lao động có tay nghề. Nhà máy Nikkiso ở Khu chế xuất Tân Thuận hiện nay có vốn đầu tư trên 20 triệu USD, thu hút 1.400 lao động chuyên sản xuất các thiết bị y tế xuất khẩu trở lại thị trường Nhật Bản và một số nước ở châu Âu...

Một dự án tiềm năng khác có thể kể đến là nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ plasma. Nhà máy dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD, khi hình thành sẽ là nhà máy đầu tiên ứng dụng công nghệ khí hóa plasma tại TPHCM; có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày để sản xuất 1.630 kWh điện/ngày trong giai đoạn 1. Trừ lượng điện tiêu tốn cho việc vận hành nhà máy (45%), 55% sản lượng điện thương phẩm còn lại được hòa vào lưới điện quốc gia.

Nhà máy còn sản xuất các phụ phẩm có giá trị khác như gạch, đá xây dựng, đá xốp... Công ty TNHH Kiên Giang Composite (KGC) đang xúc tiến thành lập liên doanh với Công ty Trisun International Development Pty. Limited (TID, Australia) để đầu tư dự án này.

...nhưng còn rào cản!

Triển vọng thu hút các dự án công nghệ cao có thể coi là khá tươi sáng, nhưng theo nhiều chuyên gia, với các chính sách hiện hành, vẫn còn không ít rào cản.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, không giống như ở TPHCM, ở Hà Nội, các dự án “công nghệ cao” được quy hoạch vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và không do UBND TP quản lý. “Chỉ có một dự án mà UBND TP Hà Nội đã đề xuất nhưng vẫn chưa được chấp nhận, đó là dự án Khu Sinh học công nghệ cao. Thực sự thì việc đáp ứng được những tiêu chí “công nghệ cao” để dự án được hưởng những ưu đãi về đất đai, thuế, hải quan... là rất khó”, ông nói.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng công nhận, mặc dù Intel, Samsung, Nokia hay Compal… là những cái tên gắn liền với khái niệm “công nghệ cao”, nhưng trên thực tế các dự án của họ tại Việt Nam cũng không nghiễm nhiên được hưởng những ưu đãi dành cho dự án công nghệ cao. Trừ Intel (với sản phẩm là chipset, thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành từ ngày 6-9-2010, được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao), những nhà đầu tư còn lại đều không thuộc diện này.

Ở thời điểm nhận Giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy Sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics (SEV) ở Bắc Ninh năm 2008, Samsung được coi là doanh nghiệp công nghệ cao (theo Quyết định số 27/2006/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học - Công nghệ).

Tuy nhiên, khi mở rộng Dự án với tổng vốn đăng ký tăng từ 670 triệu USD lên 1,5 tỷ USD và danh mục sản phẩm bổ sung thêm máy in, pin điện thoại, camera... thì các sản phẩm này không thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao. Nhà đầu tư này chỉ được hưởng một số chính sách ưu đãi đầu tư sau khi đề xuất Chính phủ ra một cơ chế riêng. Dự án của Nokia cũng đã khiến các bộ, ngành phải họp bàn khá căng thẳng trước khi cho ra cơ chế ưu đãi.

“Rõ ràng, việc trao quy chế ưu đãi công nghệ cao cho một dự án là việc phải hết sức cân nhắc, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách, quỹ đất đai... Nhưng có vẻ như nếu xét đằng thẳng ra thì gần như chẳng có doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt đủ tiêu chí theo Luật Công nghệ cao hiện hành”, một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Tại một cuộc họp báo về đầu tư nước ngoài vừa được tổ chức cuối tuần qua, ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Reed Tradex nói, có hai loại nhà đầu tư đến Việt Nam. Một là những người đến và đem theo công nghệ tiên tiến, số còn lại mang theo “rác công nghệ”. Muốn khuyến khích các nhà đầu tư loại một thì cần có chính sách minh bạch, rõ ràng, chứ không phải lòng vòng đi xin cơ chế riêng.

“Chính phủ có thể nghĩ rằng nhân công giá rẻ là một hấp dẫn quan trọng. Với những nhà đầu tư loại một, tôi cho rằng chính sách minh bạch mới là quan trọng nhất, tiếp đến là những điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhân lực có chất lượng”, doanh nhân này nhấn mạnh.

Nguồn Báo SGGP Online