Bộ NN&PTNT đã có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu này, mô hình hợp tác công – tư (mô hình PPP - Nhà nước và tư nhân cùng hợp tác đầu tư và thực hiện) đang được lựa chọn là một trong các giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, xung quanh việc thực hiện mô hình này, nhiều chuyên gia cho rằng còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.
Phải hiểu đúng về giá trị của mô hình
Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách, Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT), thực hiện mô hình hợp tác công - tư không phải do nhà nước thiếu tiền đầu tư nên phải kêu gọi tư nhân vào đầu tư mà mục đích của phương thức hợp tác này là tạo ra một sân chơi để các đối tác (nhà nước, doanh nghiệp, nông dân) cùng tham gia. Tại sân chơi này, mỗi đối tác đều có thế mạnh riêng của mình, họ sẽ cùng nhau làm gia tăng giá trị cho nông sản.
Hợp tác công - tư sẽ góp phần tăng giá trị gia tăng cho nông sản
Tuy nhiên, để có thể vận hành mô hình rộng rãi và hiệu quả thiết thực, trước hết các đối tác tham gia và cả xã hội phải nhận thức đúng giá trị mô hình mang lại.
Bà Atsuko Toda, Trưởng Đại diện Qũy Hỗ trợ Phát triển Nông nghiệp Thế giới (IFAD) tại Việt Nam cho rằng, mô hình PPP sẽ giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất, cung cấp thông tin thị trường cho nông dân, dùng truyền thông để có những phản hồi về thị trường tiêu thụ sản phẩm và những điều chỉnh cơ chế chính sách kịp thời; nông dân có thêm nhiều việc làm, nhiều lợi nhuận hơn; sự tham gia của doanh nghiệp sẽ giúp nông dân tăng giá trị nông sản.
Còn theo ông Vũ Quốc Tuấn, Công ty Nestle Việt Nam, cần xác định ngay từ đầu là cả Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân tham gia mô hình PPP đều mong muốn có lợi trong đó.
Điều quan trọng, theo ông Tuấn, chúng ta luôn nói nông dân Việt Nam sản xuất nhỏ, manh mún và khó hình thành nền nông sản hàng hóa. Vậy nên, mô hình PPP cần nhằm đưa các nông dân hợp tác với nhau thành một khối lớn hơn trong sản xuất để cùng có lợi. Vì khi nông dân liên kết sản xuất với nhau, quy mô sản xuất lớn hơn sẽ thuận tiện hơn trong áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trên ruộng đồng và Nhà nước cũng dễ quản lý hơn.
Ông An Văn Khanh, Cục phó Cục Chế biến và Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối, nhấn mạnh phải hiểu đúng giá trị của mô hình PPP gắn với từng ngành hàng. Ông Khanh cho ví dụ rằng, ngành cà phê mạnh nhưng chủ yếu xuất thô, chưa chế biến. Cho nên, khi thực hiện mô hình PPP cần làm thế nào để tăng cường chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm.
Hơn nữa, ông Khanh đề nghị, mô hình PPP trong nông nghiệp không nên chỉ nhằm vào sản xuất nông nghiệp mà cần hướng vào cả các hình thức sản xuất phi nông nghiệp nhưng gắn trực tiếp với người nông dân, chẳng hạn như các làng nghề thủ công truyền thống mà nông dân đang theo đuổi.
Khung pháp lý chưa rõ ràng
Mục tiêu thực hiện mô hình công – tư được xác định là nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các đối tác tham gia mô hình đều được hưởng lợi, trọng tâm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, khung hành lang pháp lý để thực hiện mô hình còn chưa rõ ràng.
Nếu khung pháp lý tốt, doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp giúp tăng khả năng cơ giới hóa trên ruộng đồng
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Cần phải xác định được vai trò của Nhà nước sẽ tham gia mô hình như thế nào? Vị trí của người nông dân ở đâu? Bởi lẽ, những lĩnh vực công lâu nay Nhà nước hay đầu tư (tư nhân không đầu tư) thường rủi ro cao, không có lợi nhuận. Nay nếu doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào đó tức là nhiều rủi ro từ khu vực công đang chuyển sang khu vực tư nhân.
Vì thế, “rất cần có khung pháp lý để đảm bảo cho việc dịch chuyển những rủi ro đó mà tư nhân chấp nhận được để họ yên tâm hợp tác. Vì chắc chắn nếu tư nhân không chấp nhận được, họ sẽ không hợp tác”- bà Hằng nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Công ty Nestle Việt Nam, đơn vị thực hiện nhiều dự án theo mô hình này, hiện nay nhiều văn bản của Nhà nước có liên quan đến vấn đề hợp tác công - tư cho nông nghiệp không cụ thể. Do đó, để thực hiện có hiệu quả và nhân rộng hơn nữa mô hình này, cần phải có hệ thống văn bản mang tính chất pháp lý rõ ràng.
Là một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong tư vấn và thực hiện các dự án hợp tác công – tư, ông Steven Jaffee, Điều phối viên Ban Nông thôn của Ngân hàng Thế giới, cho biết: Nhiều quốc gia đã có Luật về hợp tác công - tư. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các đối tác khi tham gia mô hình chiếu theo cùng thực hiện. Còn ở Việt Nam mới chỉ có các biên bản chứ chưa có Luật cụ thể nên trong giao dịch hợp tác công – tư còn nhiều khó khăn.
Ông Steven Jaffee khuyến cáo: “Trong khi chưa có Luật, Việt Nam nên xây dựng bộ khung hành lang pháp lý, dưới dạng biên bản ghi nhớ chẳng hạn, để các bên tham gia đều biết cần phải làm gì và có trách nhiệm gì khi hợp tác”.
Vai trò các đối tác chưa cụ thể
Theo ông Đinh Ngọc Minh, Vụ phó Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ KHĐT, đã thực hiện mô hình công – tư nhằm mục đích hướng đến nâng giá trị sản phẩm thì trước hết phải xác định rõ đâu là sản phẩm công, đâu là sản phẩm tư, nhất là khi có những sản phẩm vừa có yếu tố công, vừa có yếu tố tư.
Ông Minh lấy ví dụ, cho nông dân trồng rừng sẽ cho ra sản phẩm công là bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng nguồn ô xi... nhưng khai thác gỗ từ rừng sẽ là sản phẩm có phần giá trị tư.
Cho nên, ông Minh đề nghị, vấn đề quan trọng là phải tính ra được bao nhiêu % công và bao nhiêu % tư? Nhiệm vụ của Nhà nước là tính toán ra thông số này để quyết định mức đầu tư tham gia PPP, và mỗi đối tác sẽ phải tham gia với trách nhiệm cụ thể.
Ông Steven Jaffee đặc biệt lưu ý Việt Nam phải đồng thời nghiên cứu, chọn lựa nhiều giải pháp, nhiều mô hình để hợp tác, hỗ trợ nông dân chứ không nên đặt mô hình PPP này như một mục tiêu cho mọi dự án trong nông nghiệp. Đặc biệt, không nên cứ gắn xóa đói, giảm nghèo cho nông dân như một mục tiêu bắt buộc trong các dự án hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn.
Bởi theo ông Steven Jaffee, không phải công ty nào cũng có chức năng đó nên khi gắn mục tiêu này vào sẽ gây khó cho doanh nghiệp, họ sẽ không tham gia đầu tư vào nông nghiệp.
Vì thế, ông Steven cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu kỹ để mỗi dự án có mục tiêu khác nhau thì cần chọn đối tác khác nhau cho hiệu quả. Và, không nên kỳ vọng việc đối tác tham gia hợp tác công - tư trong nông nghiệp sẽ giải quyết được mọi vấn đề của nông thôn, nông dân.
Nguồn vov.vn