Ảnh minh họa
Tại hội thảo chuyên đề “Việt Nam có nên mở rộng xuất khẩu gạo?” do Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức mới đây, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, chiến lược của ngành hàng lúa gạo không nên tiếp tục đi theo hướng tăng khối lượng gạo xuất khẩu. Những năm tới, cần tập trung vào tăng chất lượng để nâng cao giá bán, đồng thời cơ cấu lại chuỗi tiêu thụ lúa gạo để tăng lợi nhuận cho nông dân. Có như vậy, sản xuất và tiêu thụ lúa gạo mới bền vững và ổn định lâu dài.
Bám sát tín hiệu thị trường
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo của IPSARD, cho biết xuất khẩu gạo năm nay khó khăn. Trước hết là do thế giới được mùa lương thực. Lúa mì, lúa gạo, sắn và hầu hết các loại ngũ cốc đều giảm giá.
Tiếp đến là sự xuất hiện của một số nước xuất khẩu gạo mới như Ấn Độ, Pakistan hay Myanmar… Đáng chú ý, trong 4 tháng trở lại đây Ấn Độ đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, Việt Nam đã bị đẩy xuống vị trí thứ 4.
Tuy nhiên, tình hình có thể được cải thiện trong thời gian tới. Số liệu thống kê mới đây của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tiến độ xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Phi đã khả quan hơn. Thứ hai, Philippines, bạn hàng nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, sẽ có khả năng cần nhập khẩu gạo trước thời điểm mùa mưa bão sắp đến. Khi đó, gạo phẩm cấp thấp (25% tấm) sẽ có thị trường tiêu thụ tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Đình Bích, nhu cầu gạo phẩm cấp thấp trong những năm vừa qua rất lớn, cho nên Việt Nam đã phát triển những giống lúa chất lượng thấp nhưng đạt năng suất cao. Nhưng năm 2012, nhu cầu gạo phẩm cấp thấp sẽ giảm, tỉ lệ gạo chất lượng cao sẽ tăng lên. Doanh nghiệp cũng như nông dân nước ta cần bám sát theo những “tín hiệu” của thị trường, để chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp.
Ông Bích cũng cho rằng gạo Việt Nam vẫn có thể đứng vững tại những thị trường truyền thống. Vấn đề quan trọng nhất bên cạnh chất lượng là giá cả. Do đó, khi hướng đến sản xuất gạo phẩm cấp cao, Việt Nam vẫn có “cửa” để xuất khẩu.
Tạo bước ngoặt từ “cánh đồng mẫu lớn”
Từ khi đất nước đổi mới đến nay, diện tích trồng lúa chỉ tăng 30%, nhưng sản lượng thóc tăng 264%. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là động lực để nông dân tăng vụ sản xuất, thúc đẩy sản lượng.
Tuy nhiên, sản lượng lúa gạo đã đạt đỉnh, tương lai khó có thể tăng hơn nữa, vì trồng lúa đang đối mặt với nhiều thách thức. Diện tích trồng lúa đang bị đe dọa giảm dưới sức ép phải nhường đất cho công nghiệp hóa, đô thị hóa, trong khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ lấy đi phần diện tích canh tác rất lớn. Diện tích đất trồng lúa bình quân đầu người rất thấp (chỉ 600m2/người), sản xuất manh mún nên rất khó áp dụng cơ giới hóa để tăng năng suất.
Khối lượng gạo hàng hóa xuất khẩu tuy lớn, nhưng do 1 triệu hộ nông dân sản xuất với nhiều giống lúa khác nhau, khó kiểm soát chất lượng và độ thuần nhất về chủng loại sản phẩm.
Nan giải nhất trong chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo là có quá nhiều khâu trung gian. Lúa xuất bán từ nông dân đến các doanh nghiệp xuất khẩu phải qua tay quá nhiều thương lái, họ đã lấy đi phần lớn lợi nhuận của nông dân, khiến nông dân được hưởng thù lao rất thấp.
Để khắc phục những bất cập trên, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đang được kỳ vọng tạo bước ngoặt trong sản xuất và thương mại lúa gạo nước ta.
Phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn đang phát triển mạnh mẽ, đến nay đã có 12 tỉnh tham gia với diện tích 16.000ha. Nhờ mô hình này, sản xuất hoàn chỉnh được hệ thống thủy lợi và giao thông, mỗi cánh đồng chỉ sử dụng 1-2 giống lúa, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong canh tác.
Hiệu quả của cánh đồng mẫu lớn đã rõ: giảm tiêu hao vật tư, giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất. Đồng thời, hình thành mô hình sản xuất tiêu thụ khép kín trực tiếp từ cánh đồng đến doanh nghiệp xuất khẩu, loại bỏ được các thương lái trung gian, nhờ vậy đã tăng cao lợi nhuận cho nông dân.
Nguồn chinhphu.vn