Năm 2012, ngành Du lịch tỉnh ta với mục tiêu đón 1 triệu lượt du khách

(NTO) Tiềm năng du lịch được đánh thức

Nhìn lại năm 2011, nhờ các hoạt động quảng bá và xúc tiến, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa-du lịch tầm cỡ khu vực và quốc gia, tỉnh ta thu hút trên 820.000 du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, đạt trên 102% so kế hoạch, tăng 17,18% so năm 2010. Trong đó, khách quốc tế 62.000 lượt, đạt 103% kế hoạch, tăng 5,08% so cùng kỳ. Doanh thu đạt 330 tỷ đồng, đạt 110% so kế hoạch, tăng 6,45% so với năm trước. Có được con số ấn tượng trên, theo đồng chí Nguyễn Trần Vượng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VH-TT&DL cho biết: Với sự quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, chỉnh trang đô thị, các công trình để phục vụ dân sinh và các chính sách của tỉnh để phát triển du lịch đã tác động đến việc thu hút du khách. Các doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài lĩnh vực du lịch (chủ yếu các đơn vị vận chuyển khách, siêu thị…) trong những năm qua đã đẩy mạnh hoạt động dịch vụ lữ hành, phát triển các sản phẩm du lịch mới, như dịch vụ mua sắm, dịch vụ tour trong tỉnh, tour liên tỉnh với nhiều dịch vụ phục vụ phong phú…

Du khách tham quan Tháp Po Klong Garai. Ảnh: Duy Anh

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ngành Du lịch tỉnh nhà vẫn đang tồn tại những hạn chế như: sức hấp dẫn của du lịch tỉnh trên thị trường du lịch quốc tế còn hạn chế; du lịch biển là thế mạnh, nhưng mới hình thành và chưa đủ sức để cạnh tranh trong vùng và quốc tế. Việc xác định sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh còn chậm. Các di tích lịch sử, văn hoá, bảo tàng chưa được đầu tư, tôn tạo đúng mức để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Các dịch vụ vui chơi, giải trí còn thiếu và kém chất lượng. Các cơ sở hiện có chỉ phục vụ được khách nội địa là chủ yếu. Mặt hàng lưu niệm còn đơn điệu, chủ lực vẫn là dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc. Các dự án đầu tư về du lịch đăng ký nhiều, nhưng triển khai chậm… điều này ảnh hưởng đến việc kéo dài thời gian lưu trú của khách tại tỉnh ta.

Hướng mở nào để thu hút du khách?

Trong năm 2012 và cả giai đoạn 2011-2015, theo dự báo, du khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng tăng nhanh. Để giữ vững tốc độ phát triển lượng du khách giai đoạn 2011-2015, trước mắt thu hút 1 triệu lượt du khách trong năm 2012, do vậy, tỉnh cần sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, sớm tạo ra thế và lực mới trong cạnh tranh phát triển.

Du khách tham quan vịnh Vĩnh Hy bằng tàu đáy kính. Ảnh: Thanh Long

Trong đó, cần đầu tư cải thiện về điều kiện hạ tầng giao thông tạo kết nối cao giữa các khu du lịch với các trục quốc lộ, nhất là tuyến ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná, từ các khu du lịch biển với Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng tỉnh thành một “điểm nút” có giá trị quan trọng trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực. Hình thành các dịch vụ chất lượng cao tiến tới xây dựng Ninh Thuận trở thành một điểm đến hấp dẫn. Tăng nguồn lực đầu tư đúng mức cho các sản phẩm đặc thù có lợi thế của tỉnh, nhằm cung cấp các sản phẩm du lịch tốt nhất để thu hút khách trong và ngoài nước. Phát triển ngành Du lịch theo hướng gắn với các lợi thế sẵn có của địa phương với các loại hình du lịch hiện đại, chuyên nghiệp. Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy mạnh rà soát, đôn đốc triển khai nhanh các dự án đầu tư du lịch hiện có. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó tập trung chú trọng sản phẩm du lịch biển. Hình thành các tour du lịch mới, xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và TP. Hồ Chí Minh để khai thác có hiệu quả các di sản thế giới miền Trung và tài nguyên du lịch đặc sắc của vùng. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường, quảng bá du lịch. Tổ chức các chương trình du lịch (famtrip) giới thiệu tiềm năng, xúc tiến quảng bá dành cho các hãng lữ hành và báo chí đến Ninh Thuận. Xây dựng môi trường du lịch thông thoáng; nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch. Ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư, hợp tác du lịch phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Ngành VH-TT&DL sẽ chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tháo gỡ, giải quyết, khắc phục cơ bản những trở ngại, ảnh hưởng tới hoạt động du lịch như giao thông, môi trường, chất lượng phục vụ. Đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, củng cố hoạt động lữ hành, lưu trú, mua sắm, vui chơi giải trí… Tham mưu cho tỉnh tổ chức các sự kiện văn hóa, liên hoan, lễ hội về du lịch. Tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư du lịch, tìm kiếm những đối tác xứng tầm với mục tiêu hình thành một hệ thống hạ tầng du lịch cao cấp trong tương lai. Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành một trong những trung tâm du lịch, hấp dẫn khách du lịch có khả năng tài chính cao… Với nỗ lực trên, ngành Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Ông Trương Trọng Nghĩa, Công ty Cổ phần Nam Núi Chúa:

Làm thế nào để thu hút được nhiều khách du lịch luôn là vấn đề trăn trở của các nhà quản lý du lịch ở các địa phương. Theo tôi, để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận, ngành Du lịch tỉnh cần xây dựng Website và CD-ROM để minh họa những danh lam thắng cảnh thiên nhiên và những đặc thù mang tính truyền thống dân tộc của từng địa phương, từng vùng. Website phải thật sự phong phú, đa dạng, thường xuyên được thay đổi và cập nhật, bổ sung những hình ảnh và những điều mới lạ về những địa điểm tham quan gây ấn tượng đối với khách hàng trên toàn thế giới.

Địa phương cần có sự phát triển ngành Du lịch theo hướng trọng tâm, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù... đồng thời phải làm tốt các hoạt động nâng chất lượng dịch vụ, lưu trú, các khu điểm tham quan, các tiện ích... Ngoài các tài nguyên thiên nhiên, những sản phẩm du lịch có giá trị đặc sắc thì việc tổ chức các sự kiện tạo ra những điểm hấp dẫn thu hút không nhỏ lượng khách đến với địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, nhân viên Marketing Khách sạn Sài Gòn- Ninh Chữ:

Hàng năm, chúng tôi đón hơn 1.000 lượt khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hầu hết các du khách đều hài lòng với các tour. Theo tôi, để ngành Du lịch phát triển, tỉnh ta cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và làm đa dạng, phong phú hình thức tuyên truyền trong và ngoài nước để thu hút du khách, nhất là các du khách nước ngoài. Vì đối tượng khách này rất quan tâm đến Việt Nam, không chỉ về thắng cảnh mà còn về giá trị văn hóa, lịch sử và con người. Nhưng để làm được điều đó thì chúng ta cần có các dịch vụ hoàn hảo ở các khu, điểm, mà điểm này thì chúng ta vẫn còn thiếu. Cần chú trọng tạo ra đặc sắc riêng cho từng sản phẩm, tránh trùng lắp, đơn điệu giữa các tour, tuyến, điểm; kiên quyết dẹp bỏ việc bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách.
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh:

Đây là lần đầu tiên tôi đến Ninh Thuận nhưng thật sự ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên và tình cảm của người dân. Tôi thấy Ninh Thuận là một tỉnh có nhiều điểm du lịch khá kỳ thú như: Vĩnh Hy, đồi cát Nam Cương, Bình Tiên, các làng nghề thủ công mỹ nghệ,… đó là những tiềm năng, thế mạnh của các bạn. Khi cần một không gian yên tĩnh, trong lành thì đây là địa điểm lý tưởng nhất, giá cả và dịch vụ khách sạn cũng khá ổn. Tuy nhiên, ngoài tắm biển, nghỉ dưỡng, chúng tôi còn mong muốn đến đây để tham quan, tìm hiểu những điểm du lịch tâm linh như đình, chùa... và tham dự các lễ hội truyền thống. Hình như nói đến Ninh Thuận là nói đến bãi biển đẹp. Theo tôi, như vậy thì chưa đủ mà phải có những không gian văn hóa có chiều sâu kết hợp với các lễ hội truyền thống đặc trưng của tỉnh. Ngoài ra cần có các điểm tham quan mua sắm bắt mắt, phong phú hơn và các điểm vui chơi giải trí dành cho mọi lứa tuổi để du khách có thêm nhiều lựa chọn.