Nông dân ấp An Long, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang phơi lúa vừa thu hoạch.
Sấy gạo thay vì sấy lúa
Theo đánh giá của các nhà khoa học ở Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, gần đây, lực lượng lao động nông thôn dồn về các đô thị lớn khiến tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động nông nghiệp vào những thời điểm thu hoạch lúa. Nông dân thu hoạch không đúng thời điểm làm tăng tổn thất hạt trên đồng, giảm chất lượng hạt gạo.
Từ nghiên cứu của các viện, trường, các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến như san phẳng ruộng lúa điều khiển bằng laser, máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa… đã được chuyển giao cho nông dân áp dụng rộng rãi trên đồng ruộng và trong khâu sấy lúa. Cùng với những chính sách tín dụng thông thoáng, các kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, sấy tiên tiến đã được nông dân đón nhận và phát huy hiệu quả, phần nào nâng cao giá trị và lợi nhuận từ nghề trồng lúa.
Tuy nhiên, quá trình chuyển giao công nghệ sau thu hoạch cũng gặp nhiều trắc trở. Có lúc các doanh nghiệp lương thực cố đi theo hướng máy sấy tháp, tạo bước nhảy vọt nhưng “rơi” giữa chừng hoặc áp dụng máy sấy vỉ ngang chất lượng thấp hiệu quả kém nên không đến đích sấy. Từ đó, hình thành quy trình ngược không sấy lúa, lại sấy gạo: hạt lúa sau khi bóc vỏ thành gạo lức, lại “lang thang” vài tuần rồi mới được xát trắng và lau bóng, làm chất lượng gạo giảm.
Theo các nhà khoa học Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, khuyến nông trong giai đoạn hiện nay cần chỉ dẫn nông dân, doanh nghiệp hướng đến sử dụng máy sấy để đạt chất lượng chứ không phải giảm hao hụt số lượng. Nông dân và doanh nghiệp kết hợp chặt mới giải quyết dứt điểm vấn đề sấy lúa. Chủ trương sản xuất theo “cánh đồng mẫu lớn” của Bộ NN-PTNT kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp rất phù hợp với yêu cầu sấy lúa.
Mạnh về lượng, yếu về... kho
Theo các nhà khoa học, gần như 100% lúa hàng hóa tại ĐBSCL trở thành nguồn cung chính cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Việc xác định quy mô sản xuất để có những bước đi cải thiện công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch, nâng cao giá trị hạt gạo là việc cấp bách.
TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, tỏ ra phấn chấn trước sự hào hứng của nông dân đón nhận cánh đồng mẫu lớn. Theo TS Phạm Văn Dư, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã trở thành mô hình giải quyết những “nút thắt cổ chai” trong sản xuất lúa, gạo hiện nay ở ĐBSCL. Nông dân sản xuất những giống lúa chất lượng cao, đồng nhất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã giải quyết được vấn đề sau thu hoạch khi các doanh nghiệp chấp nhận đầu tư máy sấy, kho trữ.
Nhiều nông dân ĐBSCL đang như ngồi trên đống lửa khi thấy giá lúa IR 50404 từ 6.000 đồng/kg giảm còn 4.000 đồng/kg. Tất nhiên, khi sản xuất giống lúa phẩm cấp thấp này nông dân đã “đánh bạc” cầu may.
“Nông dân cần biết chắc mình làm ra hạt lúa phải có doanh nghiệp mua với giá phù hợp, phải sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Thực tế, nơi nào chính quyền ủng hộ tốt như Cần Thơ và An Giang, ở đó “cánh đồng mẫu phát triển tốt” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định.
Theo TS Lê Văn Bảnh, vấn đề trăn trở hiện nay là năng lực của các doanh nghiệp tham gia vào cánh đồng mẫu lớn, nhất là kho tồn trữ. Bởi khi làm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, nông dân gieo sạ, thu hoạch đồng loạt. Nếu sản xuất 1.000ha, năng suất lúa 6 tấn sẽ tương đương thu hoạch, vận chuyển một khối lượng 6.000 tấn. Để thực hiện công đoạn này, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã gặp khó; nếu diện tích tăng lên 20.000 – 30.000ha thì sao?
Dù Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng mới, mở rộng hệ thống kho dự trữ lương thực nhưng tiến độ đến nay vẫn chậm. Thái Lan, Ấn Độ đã có những bước tiến vượt bậc về hệ thống kho dự trữ gạo để sẵn sàng tung ra thị trường ở những thời điểm “vàng”. Còn năng lực phơi sấy, tồn trữ gạo của các doanh nghiệp Việt Nam – được đánh giá là một cường quốc xuất khẩu gạo nhưng bao giờ đuổi kịp các nước bạn!
Nguồn Báo SGGP Online