(NTO) Anh Phan Kế Vũ, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn cho biết: “Do năm trước khoai mì rất được giá nên diện tích trồng khoai mì cả huyện năm nay đã tăng 25%. Trừ xã Nhơn Sơn ra, không riêng gì Quảng Sơn và Hòa Sơn mà hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều có trồng khoai mì”. Toàn huyện Ninh Sơn hiện có 2.454 ha khoai mì, trong đó ngoài xã Quảng Sơn trồng 1.250 ha và Hòa Sơn trồng 719 ha, còn có các xã, thị trấn như Tân Sơn trồng 50 ha, Lương Sơn 60 ha, Lâm Sơn 250 ha, Mỹ Sơn 78 ha và Ma Nới 44 ha. Những năm qua, cây khoai mì đã giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo và cải thiện cuộc sống. Đặc biệt ở Hòa Sơn, diện tích cây khoai mì tuy ít hơn Quảng Sơn nhưng lại là cây chủ lực được tập trung trồng nhiều hơn các loại cây khác trên địa bàn.
Thu hoạch khoai mì.
Theo anh Lê Văn Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, mọi năm bình quân năng suất chí ít cũng đạt 25 tấn/ha. Tính giá bán thấp nhất là 1.000 đồng/kg củ tươi, sau khi trừ chi phí khoảng 10 triệu đồng (giống, công cày và phân bón…), còn lãi được 15 triệu đồng. Nhưng mùa thu hoạch năm nay, mọi chuyện đã khác. Tính đến thời điểm đầu tháng 3, toàn huyện Ninh Sơn đã thu hoạch được trên 1.670 ha (đạt 68,1% diện tích) với năng suất ngày càng thấp dần. Nếu đầu tháng 2, có 42% diện tích khoai mì thu hoạch trước cho năng suất bình quân 18 tấn/ha thì nay “rớt” xuống chỉ còn 16,5 tấn/ha. Giá thu mua khoai mì cũng có biến động theo chiều hướng giảm, đầu vụ thu hoạch, nông dân bán chủ yếu cho Nhà máy Tinh bột mì (FOCOCEV) với giá 1.600 đồng/kg củ tươi, ngoài ra nhờ thời tiết nắng nóng, một số tư thương mua và xắt lát phơi tại chỗ theo giá khoảng 1.600-1.700 đồng/kg. Nay FOCOCEV chỉ thu mua với giá dao động 1.400-1.500 đồng/kg và tư thương mua với giá còn thấp hơn, trung bình 1.380-1.400 đồng/kg. Anh Phan Kế Vũ lý giải: “Giá phân thuốc và công lao động tăng cao nên các nông dân giảm chi phí đầu tư chăm sóc, đã vậy thời tiết bất thường, mưa đều nhưng không nhiều đã làm củ khoai mì không đạt được độ bột cần thiết nên giá thu mua cũng hạ dần”.
Nông dân Hòa Sơn xắt lát và phơi khô khoai mì
Tại thôn Tân Hiệp (Hòa Sơn), chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với nhiều nông dân để biết thêm thực chất vấn đề. Anh Nguyễn Văn Thành, trồng 7 ha khoai mì ưu tư: “Khoai mì năm nay đúng là giảm chất lượng, nhiều xơ, ít bột, năng suất lại thấp. Thông thường mỗi ha, chúng tôi đầu tư 17-18 triệu đồng, với giá bán hiện tại, muốn có lãi tối thiểu năng suất thu hoạch phải đạt trên 20 tấn/ha, nhưng thực tế năng suất bình quân lại dưới 17 tấn/ha nên cầm chắc cái lỗ trong tay”. Chị Nguyễn Thị Hà, trồng khoảng gần 2 ha khoai mì ở thôn Triệu Phong (Quảng Sơn) cũng chia sẻ: “Dù lỗ cũng phải thu hoạch vì dưới cái nắng như thế này, càng để lâu củ càng giảm lượng bột, mà chúng tôi thì lại cần vốn để đầu tư trồng lại vụ mới”. Có thể thấy rõ, dù vụ thu hoạch năm nay lỗ nhưng người nông dân vẫn theo đuổi loại cây trồng này. Anh Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn giải thích: “ Đơn giản vì cây khoai mì đầu tư vốn ít, nhẹ công chăm sóc, không sợ dịch bệnh và rủi ro mất mùa, lại dễ thu hoạch, tiêu thụ, có thể bán dễ dàng, nhanh gọn cho tư thương mà không hề phụ thuộc vào việc thu mua của Nhà máy Tinh bột mì nên nông dân vẫn thích trồng cây khoai mì”.
Việc phát triển vùng nguyên liệu khoai mì cung cấp cho Nhà máy Tinh bột mì đóng trên địa bàn đã khai thác được thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, với thực trạng khoai mì giảm năng suất và rớt giá như năm nay đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tự phát trồng không theo quy hoạch. Mặt khác, do diện tích vùng nguyên liệu hầu hết phụ thuộc vào nước trời, nên theo chúng tôi, giải pháp sắp tới là phải được đầu tư hệ thống thủy lợi. Trong xu hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, những cánh đồng khoai mì nếu không có nguồn nước tưới chủ động sẽ còn lập lại hiện tượng trên. Đây là vấn đề rất cần được các ngành chức năng và huyện Ninh Sơn quan tâm, có chiến lược mới phát triển phù hợp.
Bạch Thương