Dệt may đón xu hướng tiêu dùng mới ở châu Âu

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đang phải đối phó với nhiều thách thức từ giá cả đến sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng châu Âu.

 

Ảnh minh họa

Trước tình hình trên, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ kinh doanh (BSA) vừa tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Pháp và châu Âu” tại TP HCM .

Theo bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc BSA, mặc dù, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường châu Âu vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ chậm hơn các thị truờng khác. Điều này một phần do tác động của suy thoái kinh tế, khủng hoảng đồng Euro vẫn đang được giải quyết… Người tiêu dùng ở châu Âu cũng đang thay đổi hành vi tiêu dùng, giảm chi tiêu, cân nhắc hơn trong tiêu dùng và yêu cầu cao hơn. Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam hiện nay vẫn khó khăn ở khâu nguyên liệu, thiết kế đang ở trình độ thấp nên khó có thể đáp ứng những yêu cầu cao của thị trường châu Âu.

EU là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam, nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết khai thác hiệu quả thị trường này thì năm 2012, mức tăng trưởng hàng dệt may sẽ cao hơn năm 2011, là năm mà kim ngạch xuất khẩu tăng 25% so với năm 2010.

Đánh giá về xu hướng tiêu dùng và mong đợi của thị trường châu Âu hiện nay, một số chuyên gia cho rằng: Tại châu Âu, người tiêu dùng hiện đang giảm việc mua các món hàng xa xỉ mà có xu hướng chọn những món hàng vừa túi tiền hơn. Theo đánh giá, thứ tự mức độ quan tâm của người tiêu dùng châu Âu đối với hàng dệt may thì đầu tiên là sản phẩm phải thân thiện với môi truờng, tiếp sau đó là mẫu mã, dịch vụ, chất lượng và giá cả.

Bà Alice Baey, Giám đốc Thu mua toàn cầu Tập đoàn Casino (Pháp) lý giải, nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam từ đầu năm đến nay rất khó ký được những hợp đồng xuất khẩu vào châu Âu, vì khủng hoảng nợ công ở các nước thuộc châu lục này tiếp tục đe dọa cuộc sống, khiến cho người dân cảm thấy tương lai bất ổn, không biết điều gì xảy ra vào ngày mai, nên dè sẻn trong chi tiêu, mặt khác họ cũng đòi hỏi sản phẩm vừa phải có chất lượng cao, vừa có mức giá hợp lý.

Theo ông Guillaume Crouzet, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), ngày càng có nhiều nhà bán lẻ Pháp đến Việt Nam tìm kiếm đối tác đặt sản phẩm dệt may, chứng tỏ người tiêu dùng Pháp đánh giá cao mặt hàng này của Việt Nam. Tuy nhiên, dù các mặt hàng dệt may Việt Nam đã có những chuẩn mực tốt, nhưng chưa đủ điều kiện để thâm nhập lâu dài vào thị trường Pháp và châu Âu. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần có chiến lược bài bản, tận dụng mọi cơ hội, phải có tính sáng tạo, bám sát những thay đổi xu hướng thời trang của người châu Âu. Ngoài ra cần đầu tư công nghệ và đào tạo đội ngũ thiết kế có năng lực vì những khách hàng châu Âu ngày càng khắt khe hơn trong việc chọn lựa sản phẩm.

Trong khi đó, theo bà Jo Bueters, cố vấn kỹ thuật và chiến lược của Tập đoàn Casino thì cho rằng, trước hết, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần thiết lập chiến lược quảng bá sản phẩm sao cho có thể duy trì sự nhận biết của khách hàng đối với hàng dệt may của mình theo cách hiệu quả nhất. Tiếp theo là tham gia các hội chợ - triển lãm tổ chức tại EU, đây là một trong những kênh quan trọng nhất trong việc quảng bá xuất khẩu mặt hàng dệt may.

Rõ ràng các xu hướng và nhu cầu trên của thị trường EU, Pháp… là cơ hội cho hàng Việt tăng thị phần tại EU. Để nắm bắt xu thế mới của thị trường này nhiều lời khuyên từ các chuyên gia EU đã được nêu lên. Theo ông Guillauma Crouzet, DN Việt Nam nên nghiên cứu cẩn thận xu hướng tiêu thụ mới trước khi đưa hàng sang hay lên kế hoạch sản xuất, nên tham dự các triền lãm lớn ở Pháp như Fatex đầu tháng 7, Interfiliere and mode Lingerie vào tháng 10. DN Việt Nam cũng có thể lập công ty, văn phòng đại diện tại Pháp để tìm hiểu rõ nhu cầu, thị hiếu, hệ thống phân phối tại EU và CCIFV sẽ hỗ trợ DN trong việc này.

Một số nhà thu mua EU khác cho rằng, DN Việt Nam nên tập trung vào vài chủng loại hàng hoá chuyên sâu, đừng sản xuất tràn lan, tăng đầu tư vào khâu thiết kế và nên chấp nhận linh hoạt đa dạng đơn hàng, vì bên cạnh những đơn hàng lớn cũng sẽ có những đơn hàng nhỏ. Ngoài ra, Tập đoàn Casino cùng bộ phận xuất khẩu Big C cũng đang tiến hành gặp gỡ, trao đổi thường xuyên với các DN dệt may Việt Nam để vừa có hàng cung cấp cho chuỗi siêu thị của BigC trên toàn cầu và có nguồn hàng xuất sang EU.

Nguồn chinhphu.vn