TP. HCM: Lấy ý kiến nhân dân về thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố

Chiều ngày 5-3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở Giao thông Vận tải rà soát lại toàn bộ dự án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố do Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) đề xuất, phối hợp Ủy ban Mặt trận tổ quốc để lấy ý kiến nhân dân trước khi triển khai dự án.

Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong cho biết, hiện tại trên địa bàn thành phố có khoảng 500.000 xe ô tô (chưa kể xe ngoại tỉnh lưu thông vào thành phố hàng ngày), trong khi xe gắn máy khoảng 5 triệu chiếc, chiếm trên 80% số xe hiện có trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, dù lượng xe ô tô chỉ chiếm tỷ lệ 5% nhưng lại chiếm 55% mặt đường và chỉ chở được 10% lượng khách, ngược lại, xe máy dù chiếm 40% diện tích đường nhưng chuyên chở được khoảng trên 80% lượng khách hàng ngày.

Dự báo, hiện nay mức tăng trưởng hàng năm của xe hơi là 50.000 đến 60.000 chiếc, điều này đồng nghĩa với việc đến năm 2018, lượng xe ô tô trên địa bàn TPHCM là 800.000 chiếc, chưa kể các phương tiện khác tăng theo cấp số nhân.

Việc thu phí sẽ dẫn đến 4 tác động. Thứ nhất sẽ làm thay đổi tuyến đi (đi sang những tuyến không bị thu phí). Thứ hai là thay đổi đích đến (không đến khu trung tâm thường xuyên nữa). Thứ ba là thay đổi thời gian đi (đợi hết thu phí rồi mới đi). Và cuối cùng là họ sẽ thay đổi phương tiện. Tất nhiên trường hợp cuối cùng người ta sẽ đóng tiền để vào trung tâm.

Dự án “Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TPHCM” nếu được áp dụng sẽ thu phí là 30.000 đồng/xe đối với xe ô tô 4 đến 7 chỗ và 50.000 đồng/xe với các loại ô tô khác (xe tải, xe khách…), miễn cho các loại xe công và xe buýt. Thời gian thu phí từ 6 giờ sáng – 20 giờ đêm, trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật.

Cũng theo đề án mà ITD đề xuất thì sẽ thiết lập 35 trạm thu phí tại các tuyến hành lang bao quanh khu vực nội thành, cụ thể là quận 1 và 3. Ngoài ra sẽ dùng thiết bị chuyên dụng (camera) để nhận dạng các loại xe. Việc thu phí theo phương thức 1 vòng, tức khi xe ô tô di chuyển vào 2 quận trên mới đóng tiền, khi đi ra không phải đóng. Bên cạnh đó, các xe phải gắn thiết bị OBU (thẻ đọc), để khi qua trạm, hệ thống sẽ nhận diện, xử lý, phân tích số liệu trên xe và trực tiếp trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của chủ xe. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó chi phí mua sắm thiết bị hơn 1.000 tỷ đồng và sau 2 năm có thể thu hồi vốn.

ITD đề xuất với UBND TPHCM nên thực hiện theo hình thức BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành). Tuy nhiên, Sở Tài Chính lại cho rằng nên thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Nếu được triển khai áp dụng, việc lắp đặt các trạm và xử lý số liệu kỹ thuật sẽ hoàn chỉnh trong 6 tháng và vận hành thử trong 3 tháng tiếp theo, trước khi vận hành chính thức.

Dù dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội như cải thiện ùn tắc, giảm kẹt xe, ô nhiễm, bổ sung nguồn thu cho ngân sách… nhưng Sở GTVT vẫn kiến nghị cần phải báo cáo, giải trình trước HĐND thành phố và các tổ chức chính trị, xã hội để có sự thống nhất và đồng thuận của dư luận.

Danh sách 36 cổng thu phí ôtô dự kiến vào khu vực trung tâm TPHCM

Cầu: Điện Biên Phủ, Bùi Hữu Nghĩa, Bông (Đinh Tiên Hoàng), Hoàng Hoa Thám, Khắc Chân, Kiệu (Hai Bà Trưng), Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Lê Văn Sỹ, Ông Lãnh (Nguyễn Thái Học), Calmette, Calmette rẽ phải, Khánh Hội, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Cừ và Thị Nghè.

Đường: Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Phúc Nguyên, Cách Mạng Tháng Tám, Cao Thắng, Lê Hồng Phong, Ba Tháng Hai, Lý Thái Tổ, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hồ Thị Kỷ, Trần Phú, An Dương Vương, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trị, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Đình Xu, Hồ Hảo Hớn, Yersin và Ký Con.
Nguồn Báo SGGP Online