Kết luận đã gây sốc khi hầu hết các trường đều chưa thực hiện đúng cam kết và Bộ Gíao dục-Đào tạo quyết định đình chỉ tuyển sinh 3 trường và 12 ngành của 4 trường trong kỳ tuyển sinh đại học-cao đẳng năm 2012, đồng thời phạt tiền và buộc ngưng hoạt động 4 cơ sở đào tạo chui tại TP. HCM.
95,1 sinh viên/giảng viên
Kết quả kiểm tra 24 trường thực hiện cam kết thành lập trong giai đoạn từ 1998 đến nay cho thấy hầu hết các trường đều chưa thực hiện đúng cam kết. Các chỉ tiêu theo văn bản cam kết khi thành lập trường hầu hết đều không đạt, thậm chí nhiều chỉ tiêu khó thực hiện, có trường chưa định hình được hướng phát triển (Trường ĐH Hà Hoa Tiên). Tại thời điểm kiểm tra, số lượng giảng viên cơ hữu ở nhiều trường không đảm bảo. Trong số 24 trường kiểm tra, có đến 10 trường có dưới 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, đặc biệt có 3 trường số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người (Trường ĐH Nguyễn Trãi: 55 giảng viên, Trường ĐH Văn Hiến: 52 giảng viên, Trường ĐH Hà Hoa Tiên: 59 giảng viên).
Đáng nói hơn, có đến 6 trường có trên 50 sinh viên/giảng viên, 2 trường trên 80 sinh viên/giảng viên (Trường ĐH Văn Hiến: 95,1 sinh viên/giảng viên, Trường CĐ Công nghệ Thông tin TP. HCM: 84,5 sinh viên/giảng viên). Theo Bộ GD-ĐT, nếu tính cả số sinh viên hệ vừa làm vừa học, học sinh trung cấp chuyên nghiệp thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa.
Năm 2012, Trường Đại học Văn Hiến bị đình chỉ tuyển sinh. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Du lịch
trao đổi với lãnh đạo khoa về việc cấp bằng không đúng với tên ngành đã học. Ảnh: T.HÙNG
Một thông tin khá sốc nữa là có đến 41 ngành không có tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ chuyên ngành và thạc sĩ. Cá biệt, có ngành chưa có giảng viên cơ hữu nhưng vẫn được bộ duyệt mở ngành và tuyển sinh.
Về vấn đề tuyển sinh, một số trường công lập tuyển vượt chỉ tiêu quá cam kết (Trường ĐH Kinh tế-Quản trị kinh doanh thuộc ĐH Thái Nguyên) tuyển vượt 126%. Trong đó nhiều trường tuyển sinh từ đại học, cao đẳng cho đến trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.
Trong khi đó, vấn đề xây dựng cơ sở vật chất để đảm bảo cho công tác đào tạo thật đáng lo ngại, có đến 3 trường không có đất xây trường (Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Đông Đô, Trường ĐH Nguyễn Trãi).
Trước những yếu kém này, Bộ GD-ĐT đã quyết định đình chỉ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 đối với 3 cơ sở: Trường ĐH Văn Hiến, Trường CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM, Trường ĐH Đông Đô. Đến năm 2013, nếu các đơn vị này không khắc phục các điều kiện đảm bảo chất lượng thì sẽ xem xét đình chỉ hoạt động. Kèm theo đó, Bộ GD-ĐT cũng đình chỉ tuyển sinh 12 ngành thuộc 4 trường (ĐH Chu Văn An, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng).
Buộc 4 đơn vị liên kết đào tạo chui dừng hoạt động
Đối với 4 cơ sở liên kết đào tạo chui (Raffles Việt Nam; ILA Việt Nam, ERC Việt Nam, Viện Kế toán Quản trị doanh nghiệp (IABM) mà Báo SGGP đã phản ánh vào các ngày 4 và 8-11, sau khi thanh tra, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định xử phạt bằng tiền mặt và buộc dừng hoạt động đào tạo, giải quyết quyền lợi cho người học.
Cụ thể, Công ty TNHH ILA Việt Nam (ILA Việt Nam) với các vi phạm liên kết đào tạo, tuyển sinh 240 học viên theo học chương trình cao đẳng với Martin College (Australia) không phép… bị phạt 65 triệu đồng. Ngoài ra, hình thức phạt bổ sung là buộc đơn vị này dừng hoạt động quảng cáo, chiêu sinh và đào tạo trái phép, trả lại kinh phí cho người học. Trong khi đó, Công ty TNHH Dạy nghề đào tạo quốc tế Raffles (Raffles Việt Nam) với nhiều sai phạm như: tổ chức đào tạo cấp độ 1, cấp độ 2 chương trình cao đẳng của Raffes College of Higher Education Singapore, đào tạo cấp độ 3 chương trình cử nhân của Raffles College of Design & Commerce (Australia), tuyển sinh đào tạo 396 học viên trái phép… đã bị phạt 75 triệu đồng. Bên cạnh đó, đoàn thanh tra cũng buộc Raffles Việt Nam dừng hoạt động quảng cáo, tuyển sinh đào tạo trái phép, trả lại kinh phí cho người học.
Công ty TNHH Nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam) bị phạt 80 triệu đồng do các sai phạm đào tạo trình độ cử nhân của Trường University of Greenwich (Vương quốc Anh), đào tạo trình độ thạc sĩ liên kết với Australian Institute of Business Administration PTY LTD (Australia), tuyển sinh 365 học viên theo học chương trình thạc sĩ liên kết. Đoàn thanh tra cũng buộc đơn vị này chấp hành trong 10 ngày và dừng các hoạt động quảng cáo, chiêu sinh đào tạo trái phép, trả lại kinh phí cho người học và giải quyết hậu quả.
Riêng về IABM, dù không được phép tổ chức hoạt động đào tạo giáo dục từ mầm non cho tới thạc sĩ, tiến sĩ nhưng đơn vị này đã ký liên kết đào tạo với Công ty NSSDC Education Sevices Sdn Bdh (Malaysia) để tuyển sinh, đào tạo trình độ cử nhân (29 sinh viên), thạc sĩ (74 học viên), tiến sĩ (87 nghiên cứu sinh) cho các đối tác Trường AIU và Trường IAU (Hoa Kỳ). Dù không thể xử phạt theo quy định hiện hành (do quá thời hiệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục) nhưng thanh tra cũng buộc cơ sở này chấm dứt hoạt động liên kết, khắc phục hậu quả, đồng thời giao Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng xem xét không công nhận các văn bằng của Trường IAU đã cấp cho học viên theo học tại IABM.
Nguồn Báo SGGP Online