Giáo dục và đào tạo Ninh Thuận sau 50 năm giải phóng

Sau 50 năm quê hương, đất nước hòa bình, thống nhất, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Ninh Thuận có nhiều khởi sắc. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đất nước.

Nhìn lại năm học 1975-1976, năm học đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, Ninh Thuận chỉ có khoảng 30.000 học sinh (HS) phổ thông, riêng hệ thống giáo dục mầm non hầu như không có. Tháng 4/1992, thời điểm tỉnh Ninh Thuận tái lập, hệ thống GD&ĐT tuy có bước phát triển so với trước, song nhìn chung cơ sở vật chất trường lớp vẫn còn thiếu thốn. Toàn tỉnh có khoảng 200 trường mầm non và phổ thông, với hơn 82.000 HS. Nhiều xã chưa có trường mầm non, tiểu học; HS phải học nhờ, học tạm, học ca ba; tình trạng HS bỏ học khá cao...

Để hỗ trợ phát triển GD&ĐT, những năm qua, cùng với thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người dạy và người học, Ninh Thuận luôn quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia; thực hiện tốt công tác chăm lo, giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đến trường. Ngoài những chính sách chung của Đảng, Nhà nước, Ninh Thuận đã triển khai một số chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển GD&ĐT như: Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho HS không đủ điều kiện hưởng chế độ bán trú thuộc các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2024-2026; quy định mức hỗ trợ một tháng học bổng đối với HS lớp 12 các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; một số chế độ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên và HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn... Cùng với đó, tổ chức hội khuyến học được tỉnh quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển đều khắp ở các khu dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị. Riêng năm 2024, Ninh Thuận vận động mới quỹ khuyến học trên 11,4 tỷ đồng, tăng hơn 2,6 tỷ đồng so với năm 2023, tạo nguồn kinh phí tặng học bổng, hỗ trợ HS nghèo, khen thưởng HS và giáo viên đạt thành tích tốt trong giảng dạy, học tập.

Giáo viên Trường TH-THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thuận Nam) ứng dụng công nghệ thông tin dạy học tiếng Chăm cho học sinh.

Trong những năm qua, việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT gắn với rà soát, sắp xếp hệ thống trường lớp học trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Qua rà soát, sắp xếp, hiện nay Ninh Thuận có 297 trường mầm non và phổ thông, giảm 14 trường trong giai đoạn 2021-2024. Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia (tính đến ngày 15/3/2025) đạt 68,12%, vượt 0,12% so với kế hoạch năm 2025 và vượt 3,12% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng phát triển và được chuẩn hóa, cơ bản đảm bảo cơ cấu, đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho việc tổ chức dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Thông qua công tác xã hội hóa, các cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 25 trường mầm non (không kể cơ sở nhóm trẻ gia đình) và 2 trường liên cấp ngoài công lập đào tạo HS từ cấp mầm non đến THPT. Các trường ngoài công lập hình thành, phát triển góp phần quan trọng trong chuẩn hóa cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của HS, giảm tải cho các trường công lập.

Công tác đổi mới chương trình GDPT được thực hiện theo lộ trình. Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ mức độ 1. Năm học 2023-2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt 97,14%, tăng 0,39% so với năm học 2020-2021 đạt 96,75%. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT vào các trường đại học, cao đẳng năm 2024 đạt 66,05%.

Đặc biệt, với sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là sự quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, giáo viên, HS ngành GD&ĐT, trong những năm học qua, nhất là 5 năm trở lại đây, Ninh Thuận có nhiều khởi sắc trong giáo dục mũi nhọn, số HS đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT được nâng lên đáng kể và có nhiều giải cao. Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 20 HS đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT, trong đó có 2 giải nhì, 9 giải ba và 9 giải khuyến khích; Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS THCS và THPT có 2/2 dự án tham gia đoạt giải ba; kỳ thi chọn HS giỏi THCS, THPT cấp tỉnh có 433 HS đoạt giải, bao gồm 25 giải nhất, 101 giải nhì và 307 giải ba... Nhiều HS của tỉnh đã nỗ lực, đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia, mang niềm tự hào về cho tỉnh nhà. Tiêu biểu có thể kể đến em Hồ Đinh Hoàng Hải, HS lớp 12 Toán, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đoạt giải Nhì môn Vật lý trong Kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024, được Hội Vật lý Việt Nam chọn là một trong 5 đại diện của Việt Nam tham dự Olympic Vật lý châu Âu năm 2024. Năm học này, Hoàng Hải và HS cùng trường là em Thái Minh Huân được chọn tham gia và đoạt giải Ba trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS THCS và THPT với dự án “Phân loại chất lượng măng tây ứng dụng mạng thần kinh tích chập”.

Từ năm 1978 đến 2008, tỉnh Ninh Thuận đã nghiên cứu, đưa vào dạy học thực nghiệm tiếng Chăm cho HS cấp tiểu học và tổ chức dạy học chính thức từ lớp 1 đến lớp 5 theo chương trình GDPT 2006 và hiện nay tiếp tục dạy học chính thức theo chương trình GDPT 2018 tại 24/24 trường tiểu học thuộc vùng đồng bào Chăm. Tiếng Raglai được nghiên cứu, biên soạn dạy thí điểm từ năm học 2020-2021; đến nay, đã tổ chức dạy thực nghiệm đến lớp 2 tại 17 trường tiểu học có đông người dân tộc Raglai, trong đó huyện Bác Ái là 100%. Việc dạy học chính thức tiếng Chăm và dạy thực nghiệm tiếng Raglai đã thể hiện sự quan tâm, chủ động và nỗ lực của tỉnh trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Ninh Thuận cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số lĩnh vực GD&ĐT. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính và gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân ở vùng khó khăn.

Tuy còn khó khăn, song những nỗ lực và kết quả đạt được đã tạo động lực thúc đẩy các thế hệ nhà giáo và HS trên địa bàn tỉnh thi đua “Dạy tốt - Học tốt” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đất nước.




  

 
Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp quý I/2025