(NTO) Nguồn nhân lực trẻ qua đào tạo ngày càng đông, khẳng định sự nghiệp trồng người trên quê hương Ninh Thuận ngày càng khởi sắc. Mùa xuân Nhâm Thìn- 2012, năm khởi đầu cho vận hội mới của tỉnh thu hút mọi nguồn lực đầu tư đưa sự nghiệp GD&ĐT vươn lên tầm cao mới.
Lễ bàn giao Trường THCS Ngô Quyền (huyện Bác Ái) được xây dựng kiên cố hai tầng lầu
với nguồn vốn đầu tư 3 tỉ đồng do Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long tài trợ.
Khởi sắc giáo dục vùng cao
Chúng tôi chọn cô giáo Trần Thùy Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái làm nhân vật “gõ cửa” đầu xuân mới 2012. Những năm đầu tái lập tỉnh, cô Vân giảng dạy tại xã Phước Trung. Các cô giáo trẻ mới ra trường lên vùng cao công tác trong điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Giáo viên đến từng nhà vận động phụ huynh đưa con em ra lớp học cho biết cái chữ. Sau 20 năm gắn bó bám làng “gieo chữ”, cô Vân và đội ngũ giáo viên cùng thời trở thành đội ngũ cán bộ quản lý tận tâm chăm lo cho sự nghiệp trồng người ở huyện vùng cao Bác Ái. Cô giáo Trần Thùy Vân chia sẻ: "Ngành GD&ĐT huyện Bác Ái hiện có 672 cán bộ, giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn nghiệp vụ sư phạm giảng dạy tại 36 trường học, với 5.689 học sinh các cấp học. Trong đó có 11 trường mầm non, với 1.492 học sinh; 16 trường tiểu học, với 3.003 học sinh; 9 trường THCS, với 1.194 học sinh. Lãnh đạo địa phương huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng trường lớp khang trang đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Đồng thời vận động các ngành, các cấp chung tay thực hiện mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học”.
Giờ lên lớp của cô giáo Nguyễn Hạnh Quốc, Trường TH Phước Thiện.
Tháng 1- 2001, thời điểm tái lập huyện Bác Ái chỉ có 1 trường DTNT và 10 trường tiểu học, với 3.927 học sinh; bao gồm 400 học sinh THCS, 3.132 học sinh tiểu học và 395 học sinh mẫu giáo. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên có 213 người, chưa qua đào tạo sư phạm chiếm 62%. Trong hơn 10 năm qua, lãnh đạo các ngành, các cấp quan tâm đầu tư đưa sự nghiệp giáo dục huyện Bác Ái phát triển tiến kịp miền xuôi. Đặc biệt, từ năm học 2008- 2009, Trường THPT Bác Ái được thành lập đi vào hoạt động với đầy đủ điều kiện dạy và học nội trú tạo nên diện mạo mới cho sự nghiệp trồng người của huyện vùng cao. Năm học 2010- 2011 vừa qua, nhà trường có 70 học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT. Năm học 2011- 2012, Trường THPT Bác Ái có 32 cán bộ, giáo viên đảm nhận giảng dạy cho 412 học sinh, tăng 138 học sinh so với năm đầu thành lập. Sau 20 năm tái lập tỉnh, ngành GD&ĐT huyện Bác Ái ngày càng khởi sắc cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi sự nghiệp chăm lo đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh". Nhìn thấy trường lớp mở mang ngày càng to đẹp, con cháu học hành ngày càng tiến bộ, bà con tui mừng cái bụng lắm. Tui cũng có đứa cháu nội là Cadá Sơn học sư phạm ra trường làm giáo viên rồi. Chỉ có tích cực đi học, biết nhiều cái chữ, làm ăn giỏi mới thoát nghèo bền vững thôi”, già làng Chamaléa Táy ở xã Phước Đại, vui mừng nói.
20 năm “trồng người”
Những tờ lịch cuối cùng của năm 2011 vừa khép lại, đánh dấu sự phát triển mới đáng tự hào của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Đây là năm đầu tiên đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII vào cuộc sống, tạo động lực mới nâng cao toàn diện chất và lượng của các cấp học, các ngành học. Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2011- 2012, Sở GD&ĐT tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo từ các chương trình tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao kỹ năng sư phạm, tích cực đổi mới công tác quản lý giáo dục. Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học, kết hợp đổi mới phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm chủ động học tập. Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, học sinh tích cực gắn với đưa văn hóa dân gian vào trường học và vận động học sinh nói lời yêu thương. Toàn tỉnh thu hút nhiều nguồn lực đầu tư đa dạng loại hình trường học tạo sự phát triển mới về cơ sở vật chất và chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu người học các vùng, miền trong tỉnh”.
Trường THPT iSchool Ninh Thuận được đầu tư nâng cấp về cơ sơ vật chất, đáp ứng nhu cầu
dạy và học trong năm học 2011- 2012. Ảnh: Văn Miên
Trao đổi với lãnh đạo ngành GD&ĐT, chúng tôi được biết thời điểm tháng 4 năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 75.942 học sinh phổ thông thuộc 129 trường học. Năm học 1992-1993, Ninh Thuận có 608 học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT và 215 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Đến mùa xuân mới 2012, toàn ngành có gần 9.000 cán bộ, giáo viên giảng dạy tại 315 trường học với gần 132 ngàn học sinh các cấp học. Nguồn đầu tư từ ngân sách tỉnh chăm lo sự nghiệp giáo dục tăng từ 276,2 tỉ của năm 2007 lên 515,3 tỉ đồng vào năm 2011. Tính riêng từ năm 2008 đến nay, Nhà nước đầu tư trên 376 tỉ đồng kiên cố hóa hệ thống trường học với 1.853 phòng học và 522 nhà công vụ giáo viên. Mạng lưới trường lớp phủ kín đến các địa bàn dân cư đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh các cấp học.
Trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh
các địa phương. Trong ảnh: Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Mỹ Tường.
Năm 2011, toàn tỉnh có 6.120 học sinh tốt nghiệp THPT, đạt 91,9 % so với số dự thi; 1.403 học viên tốt nghiệp GDTX THPT, đạt 77,4 % so với số dự thi. Tỉnh ta có 2.688 thí sinh thi đậu vào các trường cao đẳng và đại học, tăng hơn 10 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Phân hiệu Đại học Nông Lâm Ninh Thuận được thành lập bước đầu thu hút 59 sinh viên hệ đại học chính quy và 76 học viên hệ cao học các ngành trồng trọt, lâm học, quản lý đất đai, kinh tế. Trên địa bàn tỉnh còn có các trường trung cấp nghề, cao đẳng sư phạm và các trung tâm thuộc Sở GD&ĐT tổ chức đào tạo cho hàng chục ngàn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đáp ứng nguồn nhân lực tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập quốc tế. So với thời điểm tái lập tỉnh thì trong 20 năm qua, ngành GD&ĐT Ninh Thuận sánh vai ngang tầm với các tỉnh có nền giáo dục phát triển khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.
Đứng trước mùa xuân mới 2012 nhìn về toàn cảnh bức tranh sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà phát triển thắm tươi hương sắc. Toàn tỉnh đang thu hút mọi nguồn lực quan tâm chăm lo xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Mỗi mùa xuân mới có thêm nhiều công dân trưởng thành đủ đức, đủ tài tích cực góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận giàu đẹp.
Sơn Ngọc