Trường sư phạm phải "đa ngành"
Đề cập tới những điểm yếu của hệ thống trường sư phạm hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn nhìn nhận, hạn chế lớn nhất của một số trường sư phạm chính là việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển trường và đội ngũ giảng viên, là tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Đặc biệt, các trường sư phạm còn chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện lý tưởng, phẩm chất đạo đức của sinh viên và việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Nội dung đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non...
Riêng về đội ngũ giảng viên, trừ hai trường ĐH sư phạm trọng điểm là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, có trình độ tiến sĩ của các trường đào tạo người thầy đều thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của các trường ĐH, CĐ cả nước.
Chú trọng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực cho ngành sư phạm là một trong những việc làm
để nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Bùi Tuấn
Những hạn chế này có nguyên nhân từ những bất cập trong sự chỉ đạo, điều hành của các cấp quản lý, chưa chú ý đến tính đặc thù của các trường sư phạm, chưa dành cho các trường sư phạm những ưu tiên cần thiết. Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm và quy hoạch đội ngũ giáo viên đều chưa được xây dựng, quá trình đào tạo sư phạm chưa dựa trên nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu chuyên môn đội ngũ giáo viên và những đổi mới của giáo dục phổ thông, mầm non. Công tác quản lý cán bộ, giảng viên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong các trường sư phạm chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục không đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo. Bao trùm lên các nguyên nhân này, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, là sự nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các trường sư phạm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong khi đó, theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Viết Thịnh, ngành sư phạm lại đang mất đi sức hút. Ông cho rằng, việc nhiều trường sư phạm chuyển sang đào tạo đa ngành và tháo biển "sư phạm" đã khiến thương hiệu, chất lượng đào tạo giáo viên sa sút, khi mà tại các cơ sở này, ngành sư phạm không còn chiếm vị trí độc tôn.
Đầu tư có trọng điểm
Trước những thực trạng nêu trên, Bộ GD-ĐT bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 với sự khẳng định tiếp tục tập trung đầu tư nguồn lực cho hai trường trọng điểm (ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) thành cơ sở đào tạo có trình độ cao làm nòng cốt nghiên cứu và thực hiện những chủ trương lớn của ngành. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển trường ĐH sư phạm/khoa ĐH sư phạm ở Cần Thơ, Đà Lạt, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Thái Nguyên, Tây Bắc để cùng với hai trường nói trên đào tạo giáo viên trình độ cao và bồi dưỡng giảng viên các trường ĐH, CĐ. Các trường ĐH và CĐ sư phạm kỹ thuật cũng sẽ được đầu tư phát triển. Nhằm xây dựng lực lượng giảng viên trình độ cao cho ngành sư phạm, đề án cũng đưa ra tiêu chí cụ thể cho các trường: bố trí phòng làm việc riêng cho giáo sư, phó giáo sư (ít nhất 10m2/người) và yêu cầu đến năm 2020, tất cả cơ sở đào tạo giáo viên đều có thư viện điện tử hoạt động hiệu quả. Đưa mục tiêu này vào đề án, Bộ GD-ĐT hy vọng giải bài toán tạo kênh đầu tư riêng để nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường sư phạm, vốn là băn khoăn của nhiều lãnh đạo nhà trường lâu nay.
Một nội dung được các nhà quản lý coi như chìa khóa tháo gỡ nhiều khó khăn cho các trường là việc rà soát để bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới các chính sách nhằm tạo động lực (đặc biệt là động lực tài chính) cho các trường/khoa sư phạm, đặc biệt với các trường ĐH sư phạm được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên trình độ cao và bồi dưỡng giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh, chính sách lương hiện thời không phù hợp với giảng viên trẻ, không hấp dẫn cán bộ trẻ có năng lực làm giảng viên, nhất là ở các chuyên môn như CNTT, kỹ thuật. Những khó khăn tài chính cũng là nguyên do khiến nhiều trường sư phạm phải chọn con đường "đa ngành". Các chính sách mà chương trình chú ý xây dựng còn nhấn mạnh tới việc thu hút giảng viên giỏi cũng như học sinh giỏi vào học các trường sư phạm, nâng cao phẩm chất, đạo đức, lòng yêu nghề của giảng viên.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong hội nghị của ngành sư phạm gần đây, bên cạnh chương trình phát triển này, trước khi kết thúc năm 2011, Bộ GD-ĐT còn phải phê duyệt và ban hành Quy hoạch và phát triển nhân lực cho toàn ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020 để các trường sư phạm nắm được định hướng đào tạo, sử dụng nhân lực của ngành. Vai trò và tầm quan trọng của ngành sư phạm đang được nhìn nhận xứng đáng hơn cùng những nỗ lực từ tầm vĩ mô.
Nguồn Báo Hànộimới