1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, đồng thời nhấn mạnh: Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp tổ chức một số cuộc hội thảo, làm việc với các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học để tổ chức xây dựng Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.
2. Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn
Với mục tiêu tổng quát là: Nâng cao trình độ dân trí một cách toàn diện, mở rộng giáo dục mầm non, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, tiến tới phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện; Cơ bản xóa mù chữ và ngăn chặn tái mù chữ ở người lớn; Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đi đôi với phát triển mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông gắn với dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
3. Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 nhận được sự quan tâm góp ý của toàn xã hội
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, nhiều tổ chức chính trị - xã hội, các nhà khoa học, nhà quản lí giáo dục. Nhiều phương tiện truyền thông đã liên tục đăng tải ý kiến của các nhà giáo, cán bộ quản lý và các tầng lớp nhân dân góp ý hoàn thiện dự thảo Chiến lược.
4. Dự thảo Luật giáo dục đại học được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và cán bộ quản lý quan tâm nghiên cứu, góp ý và đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII.
Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật giáo dục ĐH của VN tại Hà Nội
5. Tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"
Ngành Giáo dục đã kết hợp hài hòa giữa “chống” và “xây” bằng việc tổ chức sáng tạo các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong nhà trường nhằm xây dựng được môi trường sư phạm lành mạnh, thiết lập trật tự, kỷ cương trong nhà trường và trong thi cử, làm chuyển biến căn bản ý thức tự giác học tập của học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết bốn năm thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Từ năm học 2011-2012, việc thực hiện Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành, trở thành hoạt động thường xuyên trong mỗi nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục.
6. Tiếp tục triển khai đổi mới quản lý giáo dục đào tạo theo hướng tăng cường phân cấp gắn với nâng cao trách nhiệm.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 quy định trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục , Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo (Thông tư số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV), qua đó thay đổi cơ bản công tác quản lí giáo dục ở các cấp, bảo đảm phân cấp triệt để nhưng thống nhất, tập trung và thông suốt trong hệ thống.
Bộ giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới quản lí giáo dục đại học theo hướng: Đổi mới việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT); Đổi mới việc mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở đào tạo (Thông tư số 38/2010/TT-BGDĐT và số 08/2011/TT-BGDĐT).
7. Ban hành nhiều chính sách về phát triển giáo dục đối với những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Cụ thể là:
Chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề của các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 1951/QĐ-TTg ngày 02/11/2011, số 1033/QĐ-TTg ngày 30/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ).
8. Giáo dục mầm non tiếp tục được quan tâm, thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ nhà giáo (Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg và số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Trẻ em mầm non được hỗ trợ ăn trưa (Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC); Hỗ trợ cho học sinh bán trú (Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGGĐT-BTC-BKHĐT).
9. Ban hành phụ cấp thâm niên cho nhà giáo (Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ), theo đó nhà giáo đủ 5 năm giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
10. Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 322)
Sau 10 năm thực hiện Đề án, đã có 4.590 người đi học đại học và sau đại học tại 832 cơ sở đào tạo ở 34 nước đã và đang đào tạo cho trên 150 trường đại học, cao đẳng một lực lượng đáng kể giảng viên có trình độ sau sau đại học cho các trường trọng điểm. Đội ngũ giảng viên này dần kế nhiệm công việc của lớp cán bộ trước đây, góp phần nâng cao chất lượng của các trường đại học và góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
11. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế đạt kết quả cao, với 23/23 thí sinh dự thi đoạt giải, trong đó có 2 Huy chương Vàng, 05 Huy chương Bạc, 15 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen.
Đặc biệt, với việc giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng, đội tuyển Olympic Tin học Việt Nam đứng trong tốp 15 đoàn có kết quả cao trên tổng số 82 nước và vùng lãnh thổ tham gia. Đây là kết quả cao nhất, là sự tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và chất lượng huy chương qua 7 lần tham gia kỳ thi Olympic Tin học quốc tế.
12. Thực hiện Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và các cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài, xử lý nghiêm các vi phạm. Qua đó, đã đình chỉ tuyển sinh (năm 2012) 03 trường và 12 ngành thuộc 4 trường khác; cảnh báo 03 trường chưa có đất, 04 trường chưa xây dựng được cơ sở đào tạo độc lập ; quyết định xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động tuyển sinh, đào tạo đối với 4 đơn vị liên kết đào tạo với nước ngoài trái pháp luật.
Theo Giáo dục & Thời đại