Thuận Bắc: Nhân rộng và phát huy lợi thế các mô hình sản xuất nông nghiệp

Là một huyện mới được thành lập, nhưng những năm qua, huyện Thuận Bắc đã biết tận dụng lợi thế và khai thác hiệu quả các tiềm năng để phát triển ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, với việc đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho nhân dân.

(NTO) Thuận Bắc có tổng diện tích đất tự nhiên trên 319,2 km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 8.623 ha. Là huyện miền núi có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu thốn, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, khả năng ứng dụng KHKT mới của bà con vào sản xuất còn nhiều hạn chế…Vì thế thời gian đầu, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất của bà con còn rất thấp và chưa ổn định. Tuy nhiên Thuận Bắc lại có lợi thế từ các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như hồ Sông Trâu, Ma Trai…cùng các đập dâng thời vụ khác như Ba Hồ, Suối Bay…Cũng như định hướng cho phát triển nông nghiệp trong thời gian dài nhằm thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Bắc nhiệm kỳ 2006-2010 đã đề ra mục tiêu phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi và nông sản, ứng dụng các tiến bộ của KHKT vào phát triển sản xuất, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm.

Đồng bào Raglai xã Công Hải (huyện Thuận Bắc) chuyển dịch từ trồng bắp sang trồng mía
nâng cao giá trị kinh tế. Ảnh: Sơn Ngọc

Trên tinh thần đó, những năm gần đây, thông qua việc triển khai thực hiện Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2007-2012, đã có hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp được ứng dụng và nhân rộng trên toàn địa bàn huyện, nhiều mô hình bước đầu mang lại những tín hiệu đáng ghi nhận. Từ năm 2007 đến nay, toàn huyện Thuận Bắc đã triển khai được 50 mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó có đến 42 mô hình được nghiệm thu và đánh giá có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, các mô hình sản xuất như: thâm canh lúa nước, cây mía tại các xã miền núi; sản xuất luá giống tại xã Bắc Phong, xã Bắc Sơn; mô hình bắp lai NK66; mô hình vỗ béo, cải tạo đàn bò…đã đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân, nhất là bà con nông dân miền núi. Theo số liệu thống kê, nếu như năng suất lúa năm 2005 của huyện chỉ đạt 26,4 tạ/ha đến nay là 53 tạ/ha; năng suất bắp từ 8,6 tạ/ha tăng lên 21,1 tạ/ha; cây bắp lai năm 2005 chưa sản xuất nay đã nhân rộng diện tích gần 240 ha. Từ việc nhân rộng các mô hình lúa thâm canh, cây mía tại các xã miền núi, hiện nay cuộc sống của nhiều bà con nông dân Raglai trong huyện đã khá hơn rất nhiều, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ biết ứng dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi. Được biết, thông qua việc vận động nông dân nhân rộng các mô hình hiệu quả đến nay huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh lúa, bắp (đặc biệt cây bắp lai)…và liên kết "4 nhà" giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Mùa thu hoạch lúa thâm canh của nông dân xã vùng cao Phước Kháng, Thuận Bắc.
Ảnh: Sơn Ngọc.

Nông dân xã Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc) phát triển chăn nuôi gia súc có sừng nâng cao thu nhập.
Ảnh: Sơn Ngọc.

Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, bền vững; nhất là trong việc chọn, ứng dụng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nhân dân là mục tiêu phát triển - kinh tế xã hội mà Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Bắc thực hiện trong thời gian tới.