(NTO) Dấu ấn của sự đột phá
Toàn huyện có 4.696 hộ, với 23.541 khẩu. Hơn 90% là đồng bào dân tộc Raglai. Đời sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Nhìn trên tổng thể, diện tích tự nhiên của Bác Ái chiếm hơn 30% tổng diện tích tự nhiên cả tỉnh, nhưng phần lớn là đồi núi; đất bằng bị thoái hoá giảm khả năng sản xuất; rừng nghèo nhiều. Ngược lại, do địa hình nằm ở vĩ độ thấp, nên Bác Ái ít bị ảnh hưởng của gió mùa đông-bắc, nhiệt độ trung bình quanh năm từ 27-27,80 C, thuận lợi để trồng các loại cây như: cây cao su, cóc hành, neem... có giá trị kinh tế cao và nâng độ che phủ rừng; tác dụng tốt trong phòng hộ, giảm nhẹ thiên tai; giữ độ ẩm cho đất, tạo mạch nước ngầm và bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực. Vì thế, chủ trương trồng cây cao su để cải tạo rừng nghèo, đất nông nghiệp bị hoang hóa, nhằm từng bước tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây được đánh giá là giải pháp rất hữu hiệu.
Nông dân xã Phước Đại, huyện Bác Ái chăm sóc cao su. Ảnh: Thanh Long
Năm 1996, Sở NN&PTNT trồng thử nghiệm một ha cây cao su tại tiểu khu 16, thôn Bố Lang, xã Phước Bình, cây sinh trưởng rất tốt. Năm 2007, tiếp tục trồng 2,9 ha tại tiểu khu 28, suối Cà Rum, xã Phước Hoà (chủ yếu là dòng cao su vô tính RIV 4), mật độ 555 cây/ha. Đến nay, tổng diện tích cây cao su toàn tỉnh gần 1.000 ha, trong đó huyện Bác Ái hơn 400 ha. Đến tham quan 30 ha cao su do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Tân Tiến trồng thí điểm tại tiểu khu 75 và tiểu khu 58a ở xã Phước Tiến vào năm 2008. Sau bốn năm chăm sóc, tỷ lệ cây sống đạt hơn 95%, mỗi năm cây phát triển từ 7 đến 9 tầng lá; chiều cao trung bình khoảng 4 mét; chu vi gốc hơn 15cm, cho thấy loài cây này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây.
Tại các tiểu khu 82a, 82b và 88a, xã Phước Chính, Công ty TNHH Ngọc Doanh xuống giống hơn 200 ha, trong đó có hơn 100 ha cao su được 11 tháng tuổi có chiều cao hơn 3 mét, 5 tầng lá. Tại xã Phước Tiến, vườn cao su rộng 5 ha trong trang trại của ông Hoàng Xuân Mai trồng năm 2009 cũng đã vươn cao hơn 5 mét, phủ xanh cả một vạt đồi núi trọc. Ông Mai đang ươm và trồng thêm 4.000 cây giống trên 5 ha trong mùa mưa năm nay. Ông nói: - Để có điều kiện đầu tư cây cao su bền vững, ông thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tận dụng đất trống giữa các hàng cây cao su, trồng xen canh cây ăn trái và cây hoa màu, hàng năm thu nhập 5 triệu đồng. Tương tự, tận dụng khoảng cách hàng cách hàng 2,5m, cây cách cây 2,5m, trên diện tích trồng 100 ha, Công ty TNHH Ngọc Doanh trồng xen kẽ khoảng 30 ha cây mì (sắn), hiện tại đang cho thu hoạch khoảng 9 triệu đồng/ha mì, doanh nghiệp có thêm vốn để nâng diện tích trồng cao su lên 400 ha trong năm 2011. Bình quân mỗi ha đầu tư giống, phân khoảng 60 triệu đồng.
Công ty Lâm nghiệp Tân Tiến đầu tư trồng cây cao su góp phần phủ xanh đất rừng huyện Bác Ái
Hiện nay, hơn 60 ha cây cao su do Công ty Lâm nghiệp Tân Tiến trồng thử nghiệm từ năm 1994 tại tiểu khu 16 vùng đệm Vườn Quốc gia Phước Bình, cây đã đạt chiều cao 20m, chu vi gốc là 130cm, tán lá rộng, xanh tốt, không bị sâu bệnh phá hoại, khả năng cho thu hoạch mủ đạt yêu cầu. Và theo kế hoạch, cuối năm 2013, hơn 1.000 ha rừng nghèo ở Bác Ái xuống giống trồng, thì từ năm 2015 trở đi, cây cao su sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng định hướng phát triển cây cao su để cải tạo rừng nghèo. Qua thực tế, có thể khẳng định cây cao su sẽ biến rừng nghèo kiệt trở thành rừng giàu. Bộ NN&PTNT cũng đã công nhận đây là cây đa mục đích, có thể trồng trên đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp, rất phù hợp khi trồng ở Ninh Thuận”.
Ngoài huyện Bác Ái, đầu năm 2010, Công ty Nguồn Sống cũng đã tự ươm giống và trồng hơn 30 ha cây cao su ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước.
Tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư
Là tỉnh nằm trong phạm vi được phép phát triển cây cao su theo Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 03/06/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Qua kết quả quy hoạch lại 3 loại rừng giai đoạn 2010-2020 và sau 2020, từ năm 2010-2015, sẽ trồng 10.464 ha ở các huyện Ninh Sơn, Bác Ái. Đến năm 2020, nâng tổng diện tích lên 22.171 ha. Theo định hướng của tỉnh, các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư, tạo vùng sản xuất và làm cơ sở để đào tạo công nhân kỹ thuật từ khâu tạo giống, trồng, chăm sóc, khai thác mủ... rồi sau đó chuyển giao cho các hộ nông dân nhằm thúc đẩy mô hình “cao su tiểu điền” phát triển vững chắc trong tương lai. Do đó, tỉnh đang đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư. Thực tế, các nhà đầu tư đang gặp khó khăn lớn nhất là thiếu quỹ đất để xuống giống. Ông Dương Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH-XD-DVTM Xuất nhập khẩu Thuận Hưng Thịnh cho biết: “Năm 2009, công ty được UBND tỉnh giao khoảng 461 ha đất ở xã Phước Thành để thực hiện dự án trồng cây cao su và trồng rừng kinh tế, nếu dự án hoàn thành đúng kế hoạch, chắc chắn cây cao su sẽ mang lại nguồn lợi đáng kể cho địa phương trong tương lai. Trong khi chờ tỉnh giải quyết đủ quỹ đất, công ty đã chủ động thuê lại đất của người dân trong vùng dự án khoảng 30ha trong thời gian 3 năm để xuống giống. Để tháo gỡ vướng mắc về đất, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với huyện Bác Ái tiến hành đo đạc, rà soát lại hàng ngàn ha đất đã có quyết định giao cho nhà đầu tư, để xúc tiến việc thu hồi đất. Mặt khác, tỉnh cũng đưa ra cơ chế mở là cho phép nhà đầu tư chủ động liên kết với các Ban quản lý rừng để mở rộng diện tích trồng ở những vùng rừng nghèo khác (kể cả đất của người dân đang bỏ hoang), mục đích là qua đó nhân rộng mô hình khoán quản cho người dân có việc làm, thu nhập ổn định để phát động phong trào trồng cao su sâu rộng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để giúp người dân cải thiện đời sống.
Chăm sóc cây giống cao su.
Cây cao su là một trong những nguyên liệu tham gia hầu hết vào các ngành công nghiệp hiện đại. Những năm qua, ngành cao su phát triển mạnh là do sản xuất ổn định và có lãi, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng triệu bà con nông dân ở các vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Cây cao su trở thành cây chiến lược trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên cả nước. Chủ tịch UBND huyện Bác Ái
Pi-năng Thị Thuỷ nói: “Thành công bước đầu của cây cao su trên đất rừng nghèo đang mở ra triển vọng mới, giúp đồng bào dân tộc Raglai ở Bác Ái có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập là hết sức cần thiết. Tương lai không xa, những cánh rừng cao su xanh tốt sẽ mang lại đời sống khấm khá cho người dân và góp phần cải tạo môi trường sinh thái ở địa phương ngày càng tốt hơn”.
Khải Bích