KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH DÂN SỐ VIỆT NAM (26/12/1961 - 26/12/2011)

Tiếp tục thực hiện tốt chiến lược DS-KHHGĐ, góp phần ổn định và phát triển KT-XH của tỉnh

Ngày 26-12-1961 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Quyết định số 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam về công tác DS-KHHGĐ. Với quyết định này, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở Châu Á triển khai chương trình DS-KHHGĐ.

(NTO) 50 năm qua, chúng ta vô cùng tự hào về những thành tựu quan trọng của công tác DS-KHHGĐ. Có thể nói, đây thực sự là một cuộc cách mạng trong sinh đẻ: từ việc sinh đẻ mang tính tự nhiên, bản năng sang việc sinh đẻ mang tính chủ động, có kế hoạch; từ việc sinh nhiều con, chất lượng thấp sang việc sinh ít con, chất lượng ngày càng cao.

Đồng chí Trương Văn Thọ 
Phó Giám đốc Sở Y tế,
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh

Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm được 4,3 con, từ 6,3 con năm 1960 xuống còn 2,0 con vào năm 2010, trong khi trung bình trên toàn thế giới giảm được 2,5 con, từ 5 con xuống còn 2,5 con.

Tuổi thọ bình quân tăng thêm 33 tuổi, từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2010, trong khi tuổi thọ trung bình của thế giới chỉ tăng thêm là 21 tuổi, từ 48 tuổi lên 69 tuổi. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,8% năm 1960 xuống còn 1,05% năm 2010. Cách đây 20 năm, các nhà khoa học đã dự báo đến năm 2010, dân số nước ta sẽ lên tới 105,5 triệu người. Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô dân số năm 2010 chỉ là 87 triệu người, thấp hơn so với dự báo là 18,5 triệu người. Chính sách dân số của nước ta từng bước được điều chỉnh theo hướng bao quát toàn diện hơn, chú trọng nâng cao chất lượng dân số và thích ứng với những biến đổi về cơ cấu dân số.

Tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Ảnh: V.M

Những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tỉnh Ninh Thuận sau nhiều năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan: giảm mức sinh bình quân hành năm 0,5%o; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm còn 1,19%; kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại bình quân hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm xuống còn 23,5%; thực hiện triển khai những chính sách, chế độ hỗ trợ cho người thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác DS-KHHGĐ và các xã, phường, thị trấn giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên kịp thời nhất.

Ngành Dân số của tỉnh đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền chăm sóc SKSS/KHHGĐ, trẻ em sinh ra được chăm sóc tốt, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm. Chúng ta đã tích cực triển khai các hoạt động phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS; giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác DS-KHHGĐ. Nhiều địa phương đã tạo được phong trào quần chúng tuyên truyền vận động thực hiện KHHGĐ, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; xây dựng nhiều mô hình tốt về công tác vận động góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Đất nước ta đang bước vào năm đầu thực hiện chiến lược DS và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2011 và Chương trình mục tiêu quốc gia DS- KHHGĐ giai đoạn 2011-2015). Năm 2012, các ban, ngành, đoàn thể, 7 huyện, thành phố và 65 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh cần tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả chương trình chăm sóc SKSS/KHHGĐ, phấn đấu tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 72%; giảm mức sinh 0.3%o; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn dưới 10%; phấn đấu đạt mức sinh thay thế và duy trì vững chắc mức sinh thay thế: Mỗi gia đình chỉ sinh một hoặc hai con, phấn đấu khu phố, thôn xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; nâng cao vai trò của gia đình trong công tác chăm sóc, giáo dục con cái và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Vì lợi ích của mỗi người và thịnh vượng của mỗi gia đình, vì sự phồn vinh của đất nước, vì sự tiến bộ và phát triển của tỉnh nhà, chúng ta cùng tích cực hưởng ứng thi đua chấp hành và thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ góp phần vào việc ổn định và phát triển kinh tế - XH của địa phương.