Cán bộ ngành giao thông đi xe buýt để hiểu nỗi niềm của khách

Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác với xe buýt, không chính những người quản lý xe buýt; cán bộ, công chức, viên chức của ngành GTVT và các ngành khác phải đi làm bằng xe buýt mới có thể nhìn thấy sự bất hợp lý trong việc bố trí các tuyến xe buýt; thấu hiểu nỗi niềm của khách đi xe khi bị phân biệt đối xử.

Cách đây mấy năm, Sở GTVT TP HCM đã phát động cán bộ, công chức, viên chức đi làm ít nhất một ngày trong tuần bằng xe buýt. Phong trào này sau đó cũng được các sở, ngành khác áp dụng. Nhưng do không đặt thành tiêu chí để đánh giá thi đua và đặt nặng vấn đề “hậu kiểm” để giám sát công chức, viên chức đi xe buýt nên việc vận động rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi.

Vì vậy, để giảm kẹt xe và tạo thêm lượng khách cho xe buýt, cách trước mắt TP HCM cần làm là yêu cầu các đối tượng công chức, viên chức, nhân viên hợp đồng có lộ trình, giờ giấc đi làm việc ổn định trong số 500 ngàn người trên địa bàn phải đi làm hằng ngày bằng xe buýt.

Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông, người đã có đến 8 năm liên tục tự nguyện đi làm bằng xe buýt cho biết: Từ nhà ở khu vực Bình Phú, quận 6, đi bộ khoảng 200m ra đón xe buýt tuyến Bến xe Miền Tây - chợ nông sản Thủ Đức, đến chỗ làm quãng đường dài 16km chỉ tốn 3 ngàn đồng. Theo ông Thừa, tuy thời gian đi xe buýt lâu hơn khoảng 15 - 20 phút so với chạy xe máy, nhưng leo lên xe ngồi thoải mái và an toàn, đi xe buýt khỏe hơn nhiều.

 
Ga xe buýt tại Bến xe Miền Đông.

Theo một hành khách “ruột” khác của xe buýt là ông Lê Hồng Việt, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT, từ nhà ông muốn đón xe phải đi bộ mất chừng 700m. Lên xe buýt đi thẳng tới nhà ga trung tâm Bến Thành, đổi thêm một tuyến khác, xuống xe đi bộ thêm cả cây số mới tới được cơ quan.

Ông Việt cho rằng đi làm bằng xe buýt như vậy là còn bất tiện, song vẫn khỏe hơn chạy xe máy. Và không ai khác, trong thời gian dài làm hành khách của xe buýt, chính ông Việt là người phát hiện ra tuyến đường Lê Hồng Phong không có xe buýt chạy dọc tuyến; các tuyến xe buýt hễ cứ đi vào đường Cộng Hòa, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ… là phải nối nhau chạy từ đầu đến cuối đường dù có khách hay không chứ không có tuyến rẽ nào khác. Tình trạng này là nguyên nhân khiến xe buýt giành đường, gây kẹt xe, lãng phí chỗ ngồi, giành giật khách…

Năm 2011 cũng đã có tới 5.052 trường hợp tài xế, tiếp viên xe buýt vi phạm bị xử phạt. Lực lượng Công an thành phố cũng đã bắt 23 đối tượng trộm cắp, móc túi trên xe buýt.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác với xe buýt, không ai khác hơn, chính những người quản lý xe buýt; đối tượng cán bộ, công chức, viên chức của ngành GTVT và các ngành khác phải đi làm bằng xe buýt mới có thể nhìn thấy sự bất hợp lý trong việc bố trí các tuyến xe buýt; thấu hiểu nỗi niềm của khách đi xe khi bị phân biệt đối xử. Mặt khác, công chức, viên chức ngành GTVT đi xe buýt cũng góp phần giám sát tài xế, tiếp viên trên xe để từ đó hạn chế tình trạng vi phạm.

Nguồn CAND Online