Hiệu quả từ một phong trào

Đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, một trong những nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (phong trào) do Trung ương phát động từ năm 2000, được đông đảo nhân dân trong tỉnh đồng tình hưởng ứng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình trong từng khu dân cư.

Khi xã hội, người dân vào cuộc

Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, trong những năm qua, phong trào đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Phước Hữu (Ninh Phước) đồng tình hưởng ứng. Xã Phước Hữu đã huy động sức dân đóng góp xây dựng được 105 căn nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khó khăn. Chỉ tính riêng trong năm 2011, toàn xã đã huy động được hơn 200 triệu đồng từ nhân dân đóng góp để cùng Nhà nước xây dựng các công trình công cộng, xây mới nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, đối tượng hộ nghèo. Bà Hồ Thị Ga, ở thôn Nhuận Đức, cựu người tù yêu nước đã tuổi ngoài 80 cho biết: “Nhờ có Nhà nước hỗ trợ, nhân dân trong xã quan tâm giúp đỡ mà vợ chồng già tôi có được căn nhà mới khang trang như thế này”. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều công trình đã được xây dựng mang ý nghĩa thiết thực, đem lại niềm phấn khởi cho nhân dân trong xã: Trường Tiểu học La Chữ, Trường Tiểu học Hữu Đức, bê-tông hóa sân Trường Mẫu giáo Mông Nhuận, xây dựng cổng thôn văn hóa: Mông Đức, Hữu Đức, Nhuận Đức...

Đường giao thông ở thôn Hậu Sanh (Ninh Phước) được thi công,
với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ảnh: S.N

Tại phường Kinh Dinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, chính quyền địa phương thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, vận động đã thu hút đông đảo nhân dân hăng hái tham gia, góp phần tích cực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước như: Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội; giúp nhau xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo gặp khó khăn về nhà ở; … Đến nay, trên địa bàn phường gần 100% đường giao thông được đổ nhựa, bê- tông hóa; xóa trắng hộ nghèo; các hộ gia đình chính sách, người có công được hỗ trợ nhà ở vững chắc. Không chỉ giúp nhau đoàn kết xóa đói, giảm nghèo, bà con trong phường còn đồng tình thực hiện nhiều nội dung có hiệu quả, đưa phường Kinh Dinh trở thành phường điểm trong thực hiện phong trào.

“Quả ngọt” của phong trào

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình quốc gia xóa, đói giảm nghèo, sự phối hợp triển khai nhiều phong trào thiết thực của các tổ chức thành viên, trong giai đoạn 2000-2010, phong trào đoàn kết giúp đỡ nhau xoá đói, giảm nghèo được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân ở từng khu dân cư. Bằng hình thức hỗ trợ giúp nhau như xoay vòng vốn tiết kiệm để phát triển kinh tế, toàn tỉnh đã có trên 50 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ nghèo vay không lấy lãi; ngoài ra còn giúp nhau hàng nghìn ngày công lao động, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi các loại… Cùng với Quỹ Vì Người nghèo của các cấp và sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức, nhà hảo tâm, của dòng họ, làng xóm đóng góp về ngày công lao động, vật liệu và tiền mặt đã giúp đỡ xây dựng và sửa chữa được 15.877 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho gia đình chính sách, gia đình nghèo. Ngoài ra, còn tổ chức trao tặng áo ấm, ti vi, xe đạp; tài trợ mổ mắt, mổ tim; hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho người nghèo trị giá gần 5 tỷ đồng. Thông qua cuộc vận động, với tinh thần “Lấy sức dân xây dựng cuộc sống của dân” và phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong những năm qua, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công để tu sửa, làm đường bê-tông liên thôn, khu phố hàng trăm km; tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng; đóng góp tu sửa và xây dựng các công trình phúc lợi ở các khu dân cư, thôn, xóm.

Phong trào đã thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành và cá nhân huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ cho người nghèo. Từ những kết quả trên đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần từ 21,3% (năm 2005) xuống dưới 12 % năm 2010 (tiêu chí cũ), đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Phong trào đã thu hút, động viên được đông đảo nhân dân tham gia, tạo nên sự đoàn kết, đồng thuận và sức mạnh tổng hợp, đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, an ninh- quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, một trong những nội dung quan trọng của phong trào TDĐKXDĐSVH được triển khai và thực hiện sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2011-2015, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho nhân dân nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu và nội dung của phong trào. Xác định đây là một phong trào chính trị - xã hội rộng lớn, có tính toàn dân, toàn diện, tính chiến lược lâu dài trong thời kỳ đổi mới, có ý nghĩa kế thừa và phát huy những kinh nghiệm của các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân. Phong trào còn là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Đồng chí Quảng Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Cuộc vận động ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống ở cộng đồng dân cư, phát huy được tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tương thân, tương ái được khơi dậy, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện. Qua đó góp phần quan trọng xây dựng vững chắc hệ thống chính trị và củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân.
Đồng chí Mai Thanh Hồng, Chủ tịch UBND phường Kinh Dinh

Phong trào được triển khai trong phạm vi rộng, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân, thành phần xã hội tham gia. Vấn đề đặt ra với phong trào trong thời gian tới là phải thực sự phát huy tính hiệu quả, tránh chạy theo hình thức. Vì vậy, việc đưa ra những tiêu chí cụ thể, có sự kết hợp chặt chẽ giữa ban chỉ đạo phong trào với các cấp ủy Đảng, chính quyền để xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, điều chỉnh các vấn đề chưa phù hợp trong đời sống xã hội và duy trì trong suốt quá trình thực hiện phong trào.