(NTO) Theo báo cáo của ngành Y tế, tính đến ngày 18-12 – nghĩa là sau 1 tuần công bố hết dịch tình hình bệnh đã có chiều hướng ngày càng giảm, mặc dù trong tuần qua theo dõi tiếp tục có thêm 4 trường hợp phát hiện mới mắc bệnh tại các địa phương: Thành Hải, Bắc Phong, Phước Mỹ và Thanh Hải.
Điều cũng đáng nói là bệnh tản phát và mỗi ngày không quá 1 trường hợp mắc bệnh. Theo nhận định của ngành Y tế, mặc dù bệnh mắc rải rác và trở thành bệnh lưu hành trên địa bàn tỉnh như các bệnh thông thường khác nhưng không thể vì thế mà chủ quan, lơ là để dịch có nguy cơ bùng phát trở lại. Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông tại các địa phương để qua đó cung cấp thông tin đầy đủ về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng ngừa… cho người dân biết để chủ động phòng tránh. Không những vậy, ngành Y tế cần tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mới mắc bệnh để kịp thời điều trị, ngăn chặn sự tái phát do mầm bệnh vẫn còn lưu hành trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là tại các địa phương đã công bố dịch.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, không chỉ ở bệnh tay – chân – miệng mà cả các bệnh khác. Điều cốt yếu là ở mỗi gia đình, cộng đồng dân cư cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Mặt khác, khi phát hiện bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, không chủ quan tự chữa theo … “kinh nghiệm” để rồi dẫn đến hậu quả khó lường cho bản thân hoặc người thân trong gia đình.
Tuấn Dũng